BẾN ĐỢI - Trang 175

em tôi như muốn nói điều gì đấy mà không kịp, cái miệng mế cứng lại. Một
chiều giá rét, gió lạnh lồng lên rú rít, mế bỏ chị em tôi mà đi... Tôi ngằn
ngặt khóc trên bầu vú lạnh cứng, loang lổ vết sữa khô của mế... Chị Ngải
ôm mế, ôm tôi tức tưởi.

Đêm hoang vu. Thăm thẳm. Tiếng khóc của tôi xa xả như muốn xé

rách màn đêm. Tiếng khóc lúc duềnh lên nhức nhối, lúc dẹp xuống nỉ non.
Chị Ngải vạch áo, chĩa đầu vú chỉ nhỉnh hơn chũm đào của đứa trẻ mới lớn
nhét vào mồm tôi. Tôi chầm bập mút, nín được một lúc lại ra rả khóc.
Người già trong bản nghe tiếng khóc, chép miệng: “Thằng bé nhớ mế. Rõ
khổ!”.

Ngày nối ngày qua đi. Thấm thoắt đã sáu mùa mắc mật trôi qua, tôi

phổng phao, lớn bổng lên trong muôn nỗi đắng cay, vất vả của chị Ngải.

Một buổi tối, chị đơm đầy bát cơm to giục tôi: “Páo à, em ăn cơm thôi,

chị còn tắm”. Ăn xong, tôi nằm lăn bên bếp lửa ấm áp ngủ một giấc. Trẻ
con là thế, dễ ăn, dễ ngủ. Bất chợt, tiếng chuột chí chóe cắn nhau trên mái
nhà làm tôi giật mình thức dậy. Chị tôi đang trệu trạo ăn sắn với canh rau
bò khai. Thì ra, những năm tháng qua, chị ăn ngô, ăn sắn, khi đói, lúc no,
chắt chiu dành phần ngon cho tôi... Tôi nào có biết! Nước mắt tôi chợt trào
ra mặn chát, tôi thầm gọi bố: “Pá ơi... pá về thôi!”. Trong đêm tối, tôi trằn
trọc không sao ngủ được. Lần đầu tiên, tôi biết đêm mông mênh, dài vô tận.

Tiết Thanh minh năm ấy, trời rắc mưa nhỏ li ti như bụi phấn. Hai chị

em tôi cùng đoàn người đi vào lũng mả. Tết Thanh minh là ngày tảo mộ.
Ngày này cửa mả mở để cái ma người chết về sum vầy cùng con, cháu.
Mỗi năm cửa mả mở có một lần. Dòng họ nào nhiều mộ phải đi từ sớm để
người dưới âm lên lâu hơn, chơi nhiều hơn. Ngày tảo mộ, con cháu các
dòng họ xa, gần đều biết đường mà về. Cây rụng về cội, ăn ở cốt cái tâm,
cái đức, thế nên ngày tảo mộ đông vui hơn ngày hội.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.