Trong lũng mả, nhiều ngôi mộ mới mọc lên như nấm gặp mưa, nhìn
xót xa lắm. Dòng họ nhà tôi, mỗi năm thêm một vài mộ mới. Đến từng ngôi
mộ, ké Sính trưởng họ kể lại cho hậu thế biết người ở dưới mộ đã sống như
thế nào.
Nhiều chuyện lắm, năm nào cũng thế, nghe mãi không biết chán. Bao
giờ câu chuyện cũng bắt đầu từ mộ cụ tam đại họ Liềng và kết ở mộ phần
gia đình tôi.
Khi những đốm nhang cháy đỏ thơm mùi trầm, những lá cờ phướn bé
xíu lật phật bay, hương rượu ngô thoang thoảng trên các ngôi mộ, ké Sính
bắt đầu cất giọng trầm, buồn...
Có lẽ, chuyện không dài ra, nếu mế chưa vội bỏ chị em tôi để nằm ngủ
dưới ngôi mộ đất chưa kịp lèn chặt lại kia. Mọi người lặng lẽ trước vòng
hoa oan nghiệt. Nước mắt từ trong im lặng bật trào rưng rưng... Những
tiếng thở dài sâu hút nhất loạt hắt ra. Ngột ngạt quá. Ké Sính phá tan nặng
nề bằng tiếng héo hắt: “Ông “phạ” sinh mỗi người một phận, sao cái phận
của vợ Pính ngắn thế? Khổ thế?”. Tưởng như những bí mật theo mế tôi đi
vào cõi âm rồi, thế mà, trong phút chốc không kìm nén được, câu chuyện từ
thời xa lắc bỗng nhất loạt cháy lên trong lời kể củaké Sính.
... Mế tôi về làm dâu họ Liềng chưa đầy tuần trăng mật thì bà nội mất.
Đám cưới mế là đám cưới chạy tang. Rễ có một cội, cây có một cành, lấy
dâu về bà nội mới yên lòng nhắm mắt. Làm ma cho bà xong, cái miệng nói
lời còn ngại, bố tôi vội lên đường vào miền Nam đánh giặc. Ngày bố đi,
ông trời đổ mưa to, cây cành nghiêng ngả, sũng nước. Mế đưa tiễn bố đến
ngang đèo Pí Tèn, nơi có ngôi chùa lặng lẽ ẩn mình dưới rừng cây dẻ cổ
thụ thì dừng lại, ngậm ngùi: “Con sóc không quên hang cũ, anh đi nhớ lối
về”. Đột nhiên, trong ùng oàng, chan chát của sấm chớp, vọng lên tiếng kêu
khóc của trẻ thơ vang ra từ mái chùa hoang vắng, rêu phong, bốn bề trống
trải, gió lùa. Tiếng khóc yếu ớt như quấn lấy đôi vợ chồng trẻ mà níu gọi.
Trên nền đá ẩm ướt, dưới chân bệ đá của Phật bà Quan âm đại từ, đại bi,