một bé gái nhỏ nhoi bọc trong mảnh vải chàm cũ đang run lên, tím tái. Đôi
bàn tay con bé bị dị tật, bàn tay có sáu ngón. Đứa bé ấy là chị Ngải.
Người họ Liềng đổ dồn tội lỗi lên đầu chị tôi. Họ ồn lên, cho rằng, vì
nuôi chị, cái người dòng họ khác, nên linh hồn mế tôi phải sớm giã biệt nơi
trần thế. Nỗi đau phồng rộp, bỏng rát cào xé chị tôi. Chị đã biết vì sao “cây
vía” mang núm nhau của chị không có trong vườn nhà. Run rẩy, khuỵu
xuống, chị úp mặt vào vòng hoa đá cồn quặn, thổn thức... Rất lạ! Trên mộ
mế, chân nhang bỗng bùng bùng phát hỏa, cháy rừng rực xua tan hơi đất
âm u, lạnh lẽo.
Chiều, chiều. Mặt trời đội mây, nghiêng núi rơi về phía tây, chị Ngải
lững thững dắt tôi lên chùa. Mặc cho tôi hò hét chơi trò tụt dốc, đuổi bắt
cùng lũ trẻ trong bản, chị ngồi thẫn thờ dưới chân Phật bà Quan âm, nước
mắt tràn ra, tràn ra mãi. Trong tay chị chùm hoa dẻ bị xé nát, tơi tả... Cứ
thế, đến lúc sập tối, trời như trùng xuống thấp, những ngôi sao rực cháy
trong nền trời sũng ướt sương đêm, tụi trẻ đứa nào, đứa ấy tản về nhà, còn
lại hai chị em tôi. Chị giục: “Về thôi!” mà chốc chốc còn ngoái đầu lại, chị
mong bố về...
Một buổi tối, trong ánh đèn dầu hiu hắt, đột nhiên tôi hỏi chị: “Em có
giống pá không?”. Chị thảng thốt: “Giống lắm! Em giống hệt pá mà”. Tôi
cầm chiếc gương tròn bé xíu như chiếc nấm trắng trong vắt, xăm xoi như
khuôn mặt mình, rồi ngắm tấm ảnh bố trên chiếc khung treo trên vách. Bố
tôi mặc quân phục,
mắt ánh niềm vui, mỉm cười... tôi chợt thấy lòng mình ấm áp.
Cho đến một ngày, bố tôi không bao giờ trở về với chị em tôi được
nữa. Hôm nhận giấy báo tử bố tôi, người trong bản đổ dồn về nhà tôi. Trời
đất quay cuồng, vật vã... Bên tai tôi văng vẳng: “Đồng chí Pính đã hy sinh
trong khi làm nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên vùng đất Tây Nguyên”.