kêu lạo xạo, răng rắc, như muốn gãy. Có lẽ, tại vì thế mà anh lính nào
cũng... ngán. Mà quả thật, Hùng thấy xót xa cho Lan. Hoàn cảnh Lan như
vậy! Làm sao chả gầy, mấy hôm cuối tháng, hết gạo, họ ngồi ăn cháo bí đỏ
và khoai luộc... Một buổi trưa, nhân lúc đi huấn luyện về, rẽ qua chỗ thằng
bạn đồng hương làm quản lý tiểu đoàn hai, thấy gói bột canh, Hùng xin
được mang sang cho ba mẹ con Lan. Những ngày rảnh rỗi Hùng thường
hay sang nhà Lan chơi, đỡ đần mẹ con cô ấy những việc nặng nhọc...
*
* *
Hùng rất ít về quê.
Khi xưa, sau gần bốn năm làm nghĩa vụ quân sự, Hùng ra quân và
quyết ôn thi đại học lần nữa. Cộng cả điểm ưu tiên bộ đội xuất ngũ, Hùng
đỗ vào trường Kinh tế. Đối với người nào đó, thì quê hương, làng xóm là
những ký ức thân thương tươi đẹp. Nhưng với Hùng, nói đến làng Ngọc,
chỉ gợi lên những ký ức buồn mà Hùng muốn quên đi. Những đói khát triền
miên. Những buổi trưa hè nắng như cháy người, vẫn phải lang thang ngoài
cánh đồng kiếm con cua con cá. Những đêm mưa, nhà dột, không còn có cả
một chỗ khô mà ngồi học bài. Những ký ức ấy, Hùng chỉ muốn nó vĩnh
viễn lãng quên. Thật sự, Hùng đã quá chán cảnh nghèo rồi. Đến khi ra
trường, lập nghiệp trên thị xã, Hùng ít về quê. Rồi bố mẹ mất cả, Hùng lại
càng ít về quê hơn. Hùng vẫn nói với bọn bạn rượu trên ấy là tôi chưa thấy
cái làng nào xứ Kinh Bắc mà lại nhiều thủ tục nhiêu khê như làng tôi. Chỉ
tính riêng cái vụ cỗ bàn cưới xin, đã thấy ngán. Cỗ cưới làng Ngọc, có tiếng
là sang nhất vùng. Cứ phải đủ lệ bộ bốn bát sáu đĩa. Thức tráng miệng phải
là chè hạt sen, ăn với xôi vò hoa cau. Một mâm cỗ như thế, đóng bốn cụ
ngồi uống rượu, bất kể cụ già hay cụ trẻ. Nhưng thường thì gia chủ sẽ phải
tinh ý mà bố trí cho khách đến ăn cỗ ngồi với nhau sao cho bằng vai phải
lứa. Đã có vụ cụ chánh Lác, hất tung cả mâm cỗ nhà Thi, quát: “Nhà này
láo. Tao mà lại ngồi ngang hàng với mấy thằng trẻ ranh à?” Còn rượu thì vô