Tôi cũng đã gắng ra khỏi khách sạn, tìm một sự chi viện nào đó,
nhưng gần như lập tức tôi bị bắt. Khi đó trời đã sáng rõ và những cuộc đọ
súng có vẻ ngày càng căng thẳng hơn. Quân giải phóng đã chiếm một số cứ
điểm dọc theo đường Tulle Perry, như tòa đại biểu Trung phần, trường
Quốc học, dinh Tỉnh trưởng... từ đó họ tiến đánh ga Huế và nhà lao Thừa
Phủ. Trong đêm sau, họ giải phóng được Thừa Phủ, song ga tàu hỏa vẫn
thuộc về quân Cộng hòa cho đến ngày quân Mỹ từ Đà Nẵng và Quảng Trị
chi viện lấy lại Huế.
Tôi bị giam ở Quốc học, sau đó bị giải đến nhà số 5 Julle Perry, trụ sở
đại biểu Trung phần. Có hai ông cố đạo người Pháp ở Dòng Cứu Thế cũng
bị giam chung với tôi, nhưng họ được thả sau vài ngày. Còn lại mình tôi
trong căn phòng nhỏ ở sâu trong tòa nhà, căn phòng rất trống, không bàn
ghế, chăn nệm. Hằng đêm, tôi nằm còng queo trên sàn nhà, đắp một mảnh
vải bạt mỏng. Trong các cuộc thẩm vấn tôi khai tôi là nhà khoa học, rằng
ngoài vấn đề môi trường tôi không biết gì khác. Không tin tôi, nhưng
những người chỉ huy không thèm hỏi tôi nữa, họ mặc kệ tôi. Thế là tôi cứ
còng queo ở đó, ngày nhận hai bữa ăn, khi bánh chưng, lương khô hay cơm
nắm, ngẫm nghĩ về quá khứ, về cô Bé cùng nỗi hả hê trước khi bỏ đi, nghe
súng đì đùng và đành phó mặc cho số phận. Nhưng cũng có những ngày
đêm thành phố thật yên tĩnh, giống như hòa bình đã đến ở ngoài kia thật
rồi, như cơn ác mộng cho xứ sở này đã chấm dứt. Chỉ có tôi, không biết kết
cục với mình sẽ là thế nào đây...
Thời gian chậm chạp trôi đi. Hai mươi mốt ngày kể từ khi tôi bị bắt.
Sáng nọ, đích thân người chỉ huy mở cửa cho tôi. Ông ta, một con người
tầm thước chừng ngoài bốn mươi, nói giọng Huế chuẩn, chất giọng chậm
rãi và hơi chút gì muộn phiền... “Từ giờ phút này anh được tự do - Ông ta
nói - Anh cứ ra khỏi cổng rồi đi đâu tùy ý, miễn rằng - ông nhắc thêm -
đừng làm gì chống lại chúng tôi, vì dẫu có chống lại thì chúng tôi cũng
thắng”. “Nhưng tôi không muốn đi” - tôi nói. Tôi đã không chờ tự do theo
kiểu này. Nghe tiếng súng, tôi biết ngoài phố lại đang chiến sự và có lẽ