- Nhìn từ trên mái xuống có thể nhìn thấy hết căn nhà, cô không sợ
trộm rình mò sao, cô ở đây một mình à?
Chị gật đầu xác nhận:
- Chỉ khi nội tôi mất đi, ba má và hai đứa em ra phố, thỉnh thoảng ghé
lại. Dạo này họ chuyển hẳn lên phố, cũng ít khi về được. Một mình cũng
phải quen, đã ở từ lúc sinh ra, tôi không thể xa nơi này.
Chị bật cười, nhớ lại cái lần chị dọn đồ lên phố khi hết tang nội. Mùi
chăn nệm và những bông hồng kiêu sa cắm trong phòng kín không át được
vị trống trải. Chị nhớ mùi thoang thoảng hương dừa, hương cau, mùi ngọt
nồng của gốc hoàng lan phía đầu ngõ; và cả mùi nồng hăng của đất bùn từ
khúc sông đầy ăm ắp phù sa phía sau nhà. Không đầy ba ngày, chị nhớ
khúc sông ấy, mảnh sân nhà và những gốc cây quen thuộc đến phát cuồng.
Chị vội vã rời phố.
Từ xa, cây bò cạp vàng cổ thụ với cái dáng nghiêng nghiêng tần tảo
tỏa rợp hoa vàng cả bến sông. Chỉ nhìn thấy dáng cây ấy, chị như thấy dáng
nội lam lũ, dáng những người thôn quê tần tảo ruộng vườn. Chị bật khóc và
hiểu sẽ không thể rời xa nơi này. Như duyên nợ tiền kiếp, chốn ấy đã in vào
lòng chị.
Những cơn mưa níu chân anh ở lại. Không hiểu sao tận trong lòng, chị
không muốn anh ra đi. Chỉ một thời gian ngắn, chị thấy anh như người
trong nhà vậy. Anh kể cho chị nghe về miền Trung, nơi chưa bao giờ chị
đến. Là dòng sông Lam xanh văn vắt, núi Hồng chín mươi chín ngọn và
huyền thoại đôi trai gái yêu nhau bị cấm đoán vì lời nguyền ranh giới hai
vùng. Họ nguyện thề và mong thoát sang kiếp khác để bên nhau mãi mãi.
Bao năm rồi, dòng sông như áng tóc mướt dài, xanh dịu vợi ôm vòng quanh
ngực núi, căng phồng sức trẻ. Câu chuyện muôn đời ở đâu trên mặt đất này
đều có thể thân quen như thế mà sao nghe nhói một niềm riêng.