Sâm sẩm tối. Những người nhà đi chăm người ốm tranh thủ kiếm chỗ
rải cái chiếu trong nhà chờ thăm bệnh nhân, cũng chạnh chọe, tranh giành
mấy phút rồi đâu lại vào đấy. Ai cũng có một chỗ đủ để mắc cái màn để
ngủ vạ vật qua đêm. Họ để cái ba lô, cái túi xách sang một bên rồi quay ra
góp chuyện với nhau. Ông già quay sang nói chuyện với tôi. Cái hàm dưới
khuyết một góc bên trái mỗi khi há ra thì miệng lại hở sâu như cái hố tối
om.
"Chị người thành phố chả biết được đâu? Muốn đến quê chú xa lắm,
tít sau dãy núi kia kìa".
Ông già nói, rồi chỉ tay về hướng mặt trời đỏ ối như quả cầu lửa đang
lặn, chìm dần sau dãy núi mờ mờ. Giọng nói của ông rặn rộ phào phào
nặng trình trịch, ẩn mất dấu huyền.
"Quê tôi ở đấy, các ông bà thấy chưa? Phía dưới ấy là thung lũng,
thỉnh thoảng vớ được vũng nước, cắm cây lúa là tốt bời bời, cá cua có mà
vô khối, tuyền cá rô, cá diếc, chạy lên đồi rứt nắm lá chua me, rồi kho cháy,
gớm giờ thì chả còn nữa...".
Tôi vẫn chăm chú nghe, chỉ sợ hỏi ngang sẽ cắt đứt luồng suy nghĩ của
ông già. Tôi bắt gặp đôi mắt lờ đờ của ông nhìn về phía xa xa tiếc nuối một
điều gì đó không cắt nghĩa nổi. Tôi chưa một lần được thưởng thức món cá
diếc kho lá chua me, nhưng nghe ông già tả mà thấy thèm và cuốn hút quá.
"Ấy, cái giống cá chuối, cá sộp khôn đáo để, lẩn xuống đám thung
năn, thung lác sinh đẻ ở đấy, có con dễ đến cả yến. Tết đến chả có tiền mua
thịt nhưng cá thì đầy, nhà nào cũng kho, cũng luộc, đêm ba mươi, cả làng
đốt rơm um cá, ăn hết Giêng cũng còn khối. Ngày trước chú đốt cả một quả
đồi, tro than gì cũng mặc kệ, mưa xuân xuống, những lớp đất xốp lên, tơi
bở ra. Chè tốt rậm kín cả vùng. Ngày chưa đi lính ấy à, chú hái được khối
các loại hoa lá ở rừng, quẩy cả gánh rau sắng về Hà Đông bán. Người kẻ
chợ nấu với thịt nạc, ngọt lắm...”.