Tôi nói chen vào và cốt để ông có thời gian ngừng lại, được nghỉ ngơi
cho đỡ mệt:
“Chú làm cháu thèm quá. Bây giờ họ vẫn bán mà chú, nay mai khỏi
bệnh, đến mùa rau sắng, chú mang ra, cháu bán giúp nhé”.
Ông già dường như không nghe tôi nói, giọng cứ đều đều phào phào,
xa xăm:
“Mùa không có rau sắng thì gánh củi, cả chè xanh, cả lá thuốc bắc.
Vậy mà bây giờ, đến cái lá cũng tiệt. Tài thật, chim muông thú dữ cũng
biến sạch...”.
Ông già lại chỉ tay về cái nơi hoàng hôn đang sậm dần lại. Phía chân
trời xa xa, những tia nắng cuối cùng cũng lặng lẽ lịm đi, rồi tắt hẳn.
Tôi có nghe mẹ kể những ngày chiến tranh và tôi cũng không lạ gì đất
và người quê hương ông, một vùng bán sơn địa. Ở đấy là có những khu đất
cao vói lên, người ta chăn nuôi trâu bò nhiều vô kể. Lạ lùng, nếu trâu trắng
ở quê ông là phổ biến thì ở vùng khác, trâu màu trắng là hiện tượng lạ, bò
thì da đen như da trâu. Họ chăn thả từng đàn trên sườn đồi. Chỉ những chỗ
trũng nhất mới trồng được lúa, nhưng vất vả lắm, cây lúa mới ra bông
được, hình như nơi ấy hợp nhất với cây sắn, mà ăn sao được sắn quanh
năm. Người dân trong vùng vẫn trồng rồi chở ra chợ đồng bằng bán làm
của ăn chơi quà vặt. Vất vả thiếu thốn chứ đâu được an nhiên, thơ thới như
ông kể.
Ngồi nói lảm nhảm giọng gió phào phào kể lại chuyện quê hương từ
cái thuở nảo, thuở nào, mà ông già cứ say sưa như vừa xảy ra. Tôi hẹn với
ông: “Tối rồi, chú về khoa nghỉ ngơi đi. Mai chú lại ra đây cho mát ạ". Ông
đứng dậy, chào tôi rồi cắp cái mo cau tập tễnh bước đi. Tôi biết dù không
hẹn, ngày mai ông vẫn lại ra và lại bắt đầu câu chuyện làng quê trước sau,
xa gần lộn xộn...