đau gì cả. Chú về bệnh viện để gặp gỡ anh em bạn bè thôi. Ngày trước, đơn
vị chú cũng đánh Quảng Trị. Ác liệt lắm, mình còn lê được tấm thân về đây
là lãi rồi, tốt phúc lắm rồi, đòi hỏi làm gì, ầm ĩ mà làm gì.
Trước khi đổi quần áo bệnh nhân, ông già thương binh mặc quân phục
thẳng ly, ngực đeo đầy huân huy chương. Lần đầu tiên tôi thấy ông vui vẻ,
hoạt bát. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn người lính già trang nghiêm trước mặt. Ở
cửa phòng khám bệnh, ông nhanh nhẹn đi bắt tay từng người, kể cả quen
hay không quen, có lẽ với ông, cứ vào đến bệnh viện quân đội đều là thân
thiết, đều là đồng chí.
Tôi không nghĩ đây là lần cuối cùng ông già đến bệnh viện, bởi kết
quả xét nghiệm rất bi quan, ông bị ung thư dạ dày đã di căn lên phổi. Tội
nghiệp ông già, những cơn đau bụng âm ỉ xuất hiện từ sau Tết. Cơn đau
thường lẫn lộn với cái nhức nhối của vết thương cũ, với ông thì đau gì cũng
là trái gió trở trời nên nó hành hạ. Đau chán, nhức nhối vài ngày rồi cũng
xong. Lạ kỳ! Ông cứ một mực nghĩ: Đến bệnh viện là chỉ để gặp gỡ đồng
đội trong những ngày cuối tháng bảy chứ hoàn toàn không phải bệnh tật...
Con gái út của ông nói với tôi rằng, thôi thì để ông vui vẻ những ngày
cuối cuộc đời. Chị đã nhờ người bác sĩ quân y làm giả cái giấy xét nghiệm
ghi "viêm dạ dày mãn..." rồi đưa cho ông xem. Chị nói với cha rằng, chứng
viêm dạ dày ai chả bị, bố cứ điều trị qua tháng bảy, nếu không khỏi thì về
quê. Chúng con đưa bố đến gặp bà lang núi kiếm ít lá thuốc sắc đặc, uống
là khỏi ngay. Ông nghe xong, cố mỉm cười.
Chiều bệnh viện oi nồng hơn nơi khác. Tôi vào thăm, ông đang truyền
nước. Đôi mắt hấp háy, không mở to ra được, những ngón tay khẽ động
đậy, muốn giơ ra cũng chẳng được nữa rồi. Tôi hỏi han ông vài ba câu cốt
để khỏa lấp nỗi lo âu:
“Ngày 27 tháng 7 năm nay, chú có lên nhận hoa bệnh viện tặng nữa
không ạ?”.