chỗ thì khổ. Rồi bà nghển cổ lên, như bị giật thột, tóc, tóc con bé, mái tóc
giống mẹ nó, đen mướt, dày cả nắm đâu rồi? Mái tóc của nó mất rồi, ngắn
ngủi, vàng như râu ngô thế kia. Ối, khổ thân, hay là con bé bị ốm, tóc nó
xấu quá, bà lão định đưa tay lên vuốt, nhưng lại thôi.
Bà nhẩm tính, trưa mai cúng Tất niên xong bà sẽ đun một nồi nước lá
mùi già, thật thơm tho cho cháu gái tắm gội. Đêm giao thừa, bà gọi thằng
Liệu dẫn cháu gái đi chặt cành lộc. Hai đứa chúng nó ríu rít học cùng với
nhau từ nhỏ, bố mẹ thằng Liệu trước đây cứ nhắm nhe mãi. Ngày hai đứa
đang học đại học, mỗi lần được nghỉ lại cùng nhau đi về, bà mừng lắm.
Gần gũi, thông tỏ nhau như trong một nhà. Vậy mà từ ngày hai đứa học
xong chả thấy chúng nó hỏi đến nhau. Thằng Liệu công tác trên huyện,
thỉnh thoảng về vẫn đồng quà, tấm bánh thăm bà, xem ý ra cháu gái chả
mặn mà gì. Xếp, xếp, sắp đặt bao nhiêu thứ xong, cháu gái buông bà ra, sục
vào bếp.
- Ôi, bà mua gì lắm thế này...
Suýt nữa, nó buột miệng nói là mai nóphải đi.
Gian bếp nhỏ, chật chội những đồ đạc, cái gì cũng dành cho Tết, cháu
gái thẫn thờ nhớ lại những tháng năm của hai bà cháu, những cái Tết nghèo
với vài ba thứ ưu tiên gia đình liệt sĩ, chiếc bánh khảo bọc giấy bóng đỏ,
hộp mứt nho nhỏ mà bà để dành qua rằm, có năm bị mốc xanh, mốc đỏ
không ăn được. Rồi lọ mỡ lợn, bà để dành, bị chó nhà ai ăn vụng hết. Cả
những củ su hào héo quắt lăn lóc xó nhà và những đêm giao thừa pháo nổ,
nó sợ hãi rúc vào nách bà nội như con mèo con...
Bà nội nuôi đứa cháu côi cút từ ngày nó bé tẹo teo. Báo tử cha hơn
năm, mẹ nó đi lấy chồng tận trên vùng Nho Quan xa tít. Ngày còn bé, mỗi
lần theo anh Đức con bác An đi chăn trâu, anh lại chỉ tay về phía dãy núi
mờ mờ xa tít tắp bảo: “Mẹ mày ở đấy”. Sau này lớn lên nó mới biết, mẹ đẻ
em bé, bị băng huyết chết. Bà nội vẫn thương mẹ nó lắm, bà hay chép