miệng bảo: “Khổ, con mẹ mày vắn số...” Bao nhiêu sự yêu thương chiều
chuộng bà dồn hết cho cháu gái. Vì vậy mà nó rất khổ tâm mỗi khi Giôn
ngước đôi mắt đau đớn nhìn, rồi tha thiết hỏi: “Tại sao bà nội không
ưng???”. "Em nói với bà nội là anh yêu em, anh yêu Việt Nam mà".
Năm nay cháu gái ba mươi tuổi. Bà chỉ muốn cháu học xong, về gần
nhà làm cô giáo. Nhưng cháu học Maketinh, ra trường làm việc cho công ty
liên doanh. Nghe thằng cu Ky kể: “Chỗ chị Lý làm việc toàn người nước
ngoài, chỉ cần bấm số, cửa mở bước vào và đứng im một tí, nó đưa mình
lên tận tầng mười, toà nhà ấy to bằng cả cánh đồng Diều Sa làng mình”. Bà
nội nhớ cháu nhưng bà mừng lắm, bà thấy mãn nguyện vô cùng, cả làng An
Hạ này, có ai được như cháu gái bà? Chúng bạn nó đang bì bõm ngoài đồng
mạ, có đứa cố vài ba buổi chợ mới có tiền mua cho con manh áo mới. Cháu
gái bà, quần là áo lượt, thật bõ công bà vất vả, nuôi nấng chăm bẵm từ ngày
nó bé thơ, giá nó lấy tấm chồng, có đứa chắt cho bà yên lòng nhắm mắt.
Lần trước, thằng cu Ky vui miệng đọc luôn tên công ty nơi con bé làm
việc cho bà nghe. Bà choáng váng hỏi lại hai, ba lần: “Liên doanh Việt gì?
Là liên doanh Việt Mỹ à ?” Thì ra, cháu gái bà làm việc cho thằng Mỹ? Bà
khóc mấy ngày, bà thấy như mình đánh mất một cái gì quý giá nhất. Con
cái nhà sao mà dại dột thế. Bọn Mỹ giết cha nó, để mẹ nó phải đi bước nữa
như đò đắm giữa sông, con bé côi cút, thơ dại..., giờ lại đi làm cho Mỹ.
Khóc cạn nước mắt, bà bắt bác An lên Hà Nội tìm gọi Lý về. Hai bác cháu
giải thích mãi, bà vẫn không nghe, bà giận nó một, bà thấy đau mười. Mọi
thứ nó đưa về, bà không thèm đụng đến. Năm trước lúc chào bà để sang
Mỹ tìm hiểu thị trường, Lý phải nói dối bà là đi Liên Xô học thêm.
Càng thương cháu, bà càng trách mình. Có phải tại bà mà cháu gái
giỏi giang xinh đẹp của bà đã ba mươi hai tuổi vẫn chưa có chồng? Ngày
Lý còn nhỏ, học lớp hai, lớp ba gì đấy, một lần nó về nhà khóc, bắt vạ bà vì
bài chính tả sai nhiều lỗi. Chỉ tại cái chữ "Mỹ", bà không cho nó viết hoa.