BÊN DÒNG SẦU DIỆN - Trang 146

Ánh. Lại có thêm một anh làm công an - anh Đình. Gia đình tôi thuộc mẫu
gia đình gia giáo và chuẩn mực của thị trấn. Tôi sẽ chưa quan tâm và tìm
hiểu nhiều về bố tôi nếu như không có một hôm anh trai làm công an của
tôi đi làm về, hớt hải tìm gặp bố. Tôi thấy hai người thì thầm điều gì đó, vẻ
quan trọng lắm. Rồi bố tôi đi đi lại lại, nét mặt bần thần, nhăn trán nhíu
mày, trông rất căng thẳng. Hôm sau tôi thấy mẹ đi chợ về sớm, lại sột soạt
đóng gói cho anh Đình mang theo một bọc to. Anh Đình thường mang
những cái bọc ấy đến một khu trại ở đằng sau núi Cô Hồn. Tôi vẫn nghe
mọi người nói rằng khu trại ấy dùng để tập trung cải tạo những thành phần
đặc biệt nguy hiểm, có nợ máu với nhân dân. Tôi chợt giật mình: Hay anh
cả tôi gây ra việc gì nên bị người ta bắt vào đấy rồi? Tôi hỏi bố, bố bảo: Ở
đấy có một người trước kia là bạn bố, sau này người ấy làm đến chức đại
loại như bộ trưởng của chế độ ngụy. Tình xưa nghĩa cũ, bố gửi quà thăm
nom thôi.

Mấy năm sau thì khu trại ấy giải tán. Tối hôm đó bố giao tôi đứng

trước cửa nhà để trông chừng không cho ai vào. Anh Đình đưa người đàn
ông vừa được ra trại đi lối cổng sau vào nhà. Chẳng biết bố tôi và người
bạn vừa được cải tạo kia nói với nhau những gì, khoảng hơn một tiếng
đồng hồ sau thì anh Đình đích thân dùng xe đạp chở người bạn bố sang
bến xe bên Phòng để ông ấy đi vào miền Nam. Vài năm sau nữa bố tôi
nhận được thư của “bác Thành”. Bác ấy đã sang Mỹ. Tôi vào đại học được
hai năm, trong một lần về nhà chơi được bố cho biết cả nhà đang chuẩn bị
đón bác Thành. Cuối cùng thì bác Thành cũng xuất hiện. Người đàn ông bí
ẩn trong ký ức niên thiếu của tôi hóa ra lại rất đẹp. Ông có dáng dấp hao
hao giống bố tôi nhưng hồng hào, phương phi hơn. Bố tôi bảo: “Bây giờ
chúng ta có thể tiếp nhau đàng hoàng mà không còn sợ gì nữa. Những nợ
nần với lịch sử chúng ta đã trả xong. Cả tôi và ông đầu đều đã bạc. Nếu
còn “cô đầu ngõ Cấm” tôi với ông phải thuê một chuyến xích lô sang đó
chơi mới được. Rõ ràng thời cuộc buộc chúng ta phải không nhận nhau
mặc dù chúng ta là bạn và không ai muốn đánh mất tình bạn. Lịch sử nó
thế, phải thế. Sinh ra trong đời chẳng ai tránh được bão táp cuộc đời. Ông
Thành nhỉ?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.