Mặt bà cau có lại khó chịu:
- Kệ thây bà Lược, ai khiến ông may? Khéo lắm! Làm chảy máu mắt ra
mới được đồng bạc, một giây một giờ tiêu mấy chục liền. Bảo rằng dành
dụm để chữa cái bể nước mà ăn, rồi bó cái thềm lại, cứ để cho nó lở mãi đi.
Bà vùng vằng chạy xuống bếp cứ ngồi đay đi đay lại.
Ông Vạn bực mình hét lên dằn từng tiếng:
- Gớm thật! Nói mãi, lẫn mãi! Đâu có cái người khốn khổ thế!
- Khốn khổ cả đấy, may về thì để đấy mà mặc. Tôi không có mặc đâu
mà.
Cổ ông Vạn nghẹn ắng lại: đã biết trước là bà ấy sẽ cằn nhằn, nhưng có
ngờ đâu lại đến nỗi này. Bao nhiêu năm giời, bây giờ mới có mà may,
không chịu mặc lại còn gằn hắt. Ông ngồi bó gối trên giường. Bà Vạn lại rít
lên:
- Đã bảo từ hôm đan rọ lợn kia rồi. Ai khiến ông, ai cầu ông?
Ông Vạn đứng phắt dậy:
- Chả mặc thì bán cổ nó đi, thế đếch nào mà phải cằn nhằn.
- Bán! Bán! Mua vải bán áo lỗ trật mắt ra.
- Lỗ cũng bán cổ mẹ nó đi! Người đâu lại có thứ người không nói được.
Ông Vạn cầm chén nước uống ừng ực, buông cái chén ra liền nằm vật
xuống giường. Tiếng bà Vạn vẫn chì chiết dưới bếp.
*
Chiều hôm nay bà Vạn lại xách cái bị ra, ngồi vá quần áo. Vẫn cái bị
rúm ró mọi ngày. Vẫn những giẻ rách, lọ kim, ống chỉ... Đem ra bày biện
trên giường như bà lang dạo bán thuốc trẻ con. Bà ngồi loay hoay bới đám
giẻ rách, để tìm mụn vá, nhưng còn lại toàn gấu, cạp với gân đường chỉ. Có
vài miếng gọn mắt lại chẳng vừa lỗ thủng. Bà đành phải phá cái quần rách
nhất để lấy mụn. Gượng nhẹ mãi mới kiếm được vài mụn tạm gọi là dai sợi.
Bà cầm miếng giẻ cứ xoay giở mãi trên chiếc quần, chẳng biết đặt thế nào
cho đẹp mắt.
Kỳ cục từ chiều đến gần tối cũng vá xong cái quần. Bà khoan khoái ngửa
cổ vươn vai. Cắm chiếc kim lên độn khăn, tiện tay vuốt lại đường ngôi, vén
mấy sợi tóc mai vào kẽ tai. Bà giơ chiếc quần lên ngắm nghía. Cái quần
chẳng được vừa lòng, chỗ thì nhăn nheo, chỗ lại phùng phùng. Đôi chân