Vợ tôi hóng chuyện, chen vào tông tốc kể chồng đem cho cái xe đạp cũ.
Cha tôi thở dài bảo: “Đã xử thế, tôi còn biết nói thế nào nữa. Tôi cứ nghĩ
anh chị giữ lấy làm kỷ niệm. Cả như tôi thì tôi cho thằng bé tiền để nó mua
cái xe khác... “.
Vợ tôi vốn tính nhanh nhảu, nghĩ gì nói nấy: “Loáng một cái, nhà con
mua con xe máy hơn trăm triệu đồng bằng cả đàn trâu của làng ta; con tính
chẳng cho cái xe đạp cà tàng đi thì để làm gì? Chật nhà!”.
Cha tôi tím bầm mặt. Ông bước ra ngoài lan can, lặng lẽ hút thuốc lào.
Tôi vội kéo vợ vào trong phòng, trừng mắt lườm: Sao cô ăn nói đoảng thế?
Bạn bè tôi đến chơi.
Tất nhiên, cái nón mê thủng chóp gây ngạc nhiên đầu tiên cho khách. Nó
không được yên thân với đám bạn tôi luôn coi trời bằng vung, lắm chữ
nghĩa lại phũ miệng: Thời gian của người... Tân cổ giao duyên... Uống nước
nhớ nguồn... Hồn quê... Hoài niệm... Đi tìm ký ức...v.v và v.v... Chúng bạn
ra sức đặt tên bình phẩm cái nón mê thủng chóp; cứ như nó đã là tác phẩm
nghệ thuật phi phàm có sức chinh phục ghê gớm.
Không biết cha tôi nghe rõ hay loáng thoáng mà không thấy tỏ thái độ gì.
Tôi bảo: Cha đừng để ý. Cái bọn văn nghệ sĩ bạn con độc miệng lắm. Cha
tôi vẫn lặng im. Hay là ông không thèm chấp.
Tiễn khách xong, vợ tôi mặc váy ngủ mỏng tang, co một chân lên ghế,
nhẩn nha cắt từng khoanh dưa chuột đắp vào mặt dưỡng da. Mỗi lần mất ba
mươi phút, nàng nằm ườn trên đi văng với tay vặn to núm điều khiển âm
thanh.
Cái âm li Nhật kỹ thuật số nhẫn nại tua đi tua lại bài hát Chuyện tình Lan
và Điệp não nề buồn héo hắt. Chân nàng bắt chéo gác lên tay ngai ghế. Hai
gót chân vẫn còn vết nứt nẻ; ở quê thì bảo do váng phèn chứ ở phố ăn trắng
mặc trơn mà sao nó lâu khỏi thế.
Vợ tôi thích diện váy ngủ màu hồng, xức nước hoa hiệu Chanel... Cũng
do vài cô bạn hàng phố mới quen bày cho chứ nạ dòng nhà quê ra phố, biết
gì.
- Cái đám bạn anh ngộ chữ, một tấc đến giời. Chỉ được cái giỏi tán
nhăng tán cuội.
Vợ tôi nói, những miếng dưa chuột trên má cũng rung theo, rất tức cười.