đưa bà đến xem, rồi bà sẽ phán là tôi có nói quá lên không, tôi cược là xem
xong ra về, bà còn bốc hơn cả tôi nữa!”
“Nhưng chúng tôi đâu có nghĩ là cậu nói quá lên, chúng tôi chỉ muốn
cậu ăn cho ngon miệng, muốn ông chồng tôi cũng ăn ngon miệng. Hãy tiếp
thêm cá bơn Normandie cho quý ông đấy, phần trước đã nguội lạnh rồi, thấy
không? Chúng tôi đâu có vội mà phải hối hả như cháy nhà thế, đợi một lát
đã rồi hãy mang món xà lách ra.”
Bà Cottard vốn khiêm tốn và ít nói, song cũng biết nắm thời cơ, không
hề thiếu tự tin khi một cảm hứng may mắn chợt gợi cho bà một từ thật đắt.
Bà cảm thấy nó sẽ thành công, do đó thêm tự tin, mà chủ yếu là để giúp ích
cho sự nghiệp của chồng mình. Cho nên bà chộp ngay lấy cái từ xà lách mà
và Verdurin vừa thốt ra.
“Đó có phải là món xà lách Nhật Bản không?” bà quay sang Odette,
khẽ hỏi.
Và vừa ngượng vừa sung sướng vì đã tận dụng cơ hội thích đáng đến
thế để ám chỉ một cách kín đáo mà không thể lầm lẫn tới vở kịch mới, vang
dội của Dumas, bà phá lên cười, một nhịp cười hồn nhiên đáng yêu, không
ồn ã, nhưng không nén nổi, đến nỗi phải mất một lúc bà mới kìm lại được.
“Phu nhân nào vậy? Bà ta dí dỏm đấy,” Forcheville nói.
“Không phải, nhưng chúng tôi sẽ đãi món ấy nếu tất cả các vị đến dùng
bữa vào tối thứ Sáu.”
“Nói thế này, chắc ông sẽ coi tôi là quê”, bà Cottard nói với Swann,
“nhưng quả là tôi chưa xem cái vở Francillon trứ danh mà ai cũng nhắc đến
ấy
. Ông bác sĩ nhà tôi thì đã đi xem rồi (thậm chí tôi nhớ là anh ấy còn kể
là đã qua một buổi tối rất thú vị với ông mà) và thú thật tôi thấy việc anh ấy
thuê chỗ để quay trở lại xem cùng tôi, là không hợp lý. Hiển nhiên, đi xem ở
Théâtre – Français thì chả bao giờ phải tiếc tiền, tiếc thời gian, bao giờ diễn
cũng tuyệt, nhưng vì chúng tôi có những người bạn rất khả ái” (bà Cottard
hiếm khi nêu đích danh, mà chỉ nói “ những người bạn của chúng tôi”, “một
trong số các bạn tôi” cho “ý nhị” bằng một giọng giả tạo và với cái vẻ quan