Xem ra, tình tiết này liên quan đến năm 1929. Ở đây có nhắc
đến thị thực xuất cảnh sang Paris mà hình như người ta đã không
cấp cho Maiakovski theo đề nghị của Lilia Brik (Tiến sĩ B.
Iangfeldt đồng ý với quan điểm của tôi cho rằng bản thân nhà thơ
không có ý định sang Paris nữa); ở đây lại thêm một trong vô số các
khẩu súng ngắn mà ai muốn tặng nhà thơ cũng được. Cũng chính ở
đây có bằng chứng hiển nhiên về việc Lilia Brik có quan hệ thân
tình với “một vị tướng ở Trê-ca”…
Với quan hệ gần gũi như thế với các cán bộ OGPU, Lilia Brik vô
tình hay cố ý cũng sẽ kể cho họ biết tâm trạng của giới văn nghệ sĩ.
Và việc đó phải được thưởng. Bà P. Kochetova, người giúp việc của
Lilia Brik và Maiakovski, kể: “Lilia Brik chuẩn bị ra nước ngoài, tôi
nghe mấy vị nói rằng hai vợ chồng Lilia Brik sẽ đi bằng tiền
công quỹ. Lilia Brik bị từ chối về thị thực. Nhưng rồi vài hôm sau
người ta mang thị thực đến tận nhà cho chị ta…”
Ở
đây có hai yếu tố quan trọng đối với câu chuyện của chúng
ta. Một yếu tố liên quan đến ý kiến phản đối của A.
Valiuzhenich: làm gì có chuyện, nếu vợ chồng Brik có quan hệ thân
tình với OGPU, thì chẳng đời nào họ bị bêu tên trên báo về việc
chuẩn bị đi du lịch ra nước ngoài “bằng tiền công quỹ”. Một cơ
quan đầy quyền uy ai lại cho phép đăng chuyện rắc rối về người
của mình như thế trên báo “ Koms. pravda ”. Xin lỗi! Cái mẩu tin
đăng trên báo ấy rất có thể là hoàn toàn bất ngờ đối với OGPU.
Họ đâu có thể theo dõi được tất cả! Chính vì vậy mà họ phải vội vàng,
trong vài hôm, làm lại các thứ giấy tờ. Cơ quan cử vợ chồng Brik đi
đã không còn là Bộ Dân ủy Giáo dục, mà là Ủy ban liên lạc văn hóa
với nước ngoài.