khác với Nette hoặc Voikov, đều chết không phải bởi tay “kẻ thù
giai cấp”, mà bởi chính người đằng mình. Chính cái tính không
ngẫu nhiên của tai họa đã khiến nhà thơ chấn động và đau buồn
nặng nề về cái chết của Khurgin, đã không cho phép chàng động
chạm đề tài đó về phương diện triết lý con người. Chàng không
muốn dối trá.
Và cuối cùng, chỉ bây giờ, khi các sự kiện quá khứ đã nằm trong
mối liên hệ logic với nhau, tôi mới có thể giải thích lời đề nghị khẩn
khoản tự dưng xuất hiện trong bức thư của người phụ nữ 25 tuổi gửi
nhà thơ 36 tuổi: “Xin anh hãy ghi địa chỉ này (New York city) vào sổ
tay dưới tiêu đề ‘Nếu tôi chết, bên cạnh các nơi cần thông báo,
xin hãy thông báo cho cả địa chỉ này’. Anh hãy bảo trọng. Elizaveta”…
( Thư gửi từ thành phố Nice bên Pháp về Moskva, dấu bưu điện
ngày 12 tháng 4 năm 1929).
Không loại trừ, vì nghĩ đến sự tàn bạo của những kẻ bảo vệ chế
độ mới, trong lúc tâm sự, Maiakovski đã nói thẳng với Elizaveta rằng
rất có thể chàng cũng sẽ bị một “tai họa ngẫu nhiên” kiểu đó.
Và ở đây buộc phải nhớ lại câu Maiakovski nói với người phụ trách
văn nghệ của nhà hát MXAT P. Markov về vợ chồng Brik vào tháng
3 năm 1930: “Ông tưởng rằng họ (vợ chồng Brik – V. Skoriatin ) sẽ
trở về ư? Hoàn toàn không biết là họ có trở về nữa hay không”.
Câu này có vẻ bí ẩn đối với P. Markov; còn đối với chúng ta, khi đã
biết các sự việc vừa dẫn, thì không có gì khó hiểu. Maiakovski đoán,
cũng chẳng phải là đoán nữa, mà biết chính xác rằng vợ chồng
Brik ra nước ngoài không phải nhằm mục đích “sáng tác” gì hết, và
mọi chuyện đều có thể xảy ra với họ…