gồm có mấy người”, ấy là có V. Polonskaia và M. Ianshin. Và khi
nói chuyện với tôi, bà V. Polonskaia cũng xác nhận rằng bà còn nhớ
rõ buổi tối mùa thu đó ở căn hộ phố Gendrik.
Sự thể thế nào? Người ta làm như ngẫu nhiên báo cho
Maiakovski biết Tatiana Iakovleva đi lấy chồng, hơn nữa lại báo
cho biết khi có mặt cô gái đang thân với chàng. Chỉ có thể đoán
điều gì diễn ra trong lòng Maiakovski. Một cú đòn giáng vào lòng tự
ái. Đã thế, “tin tức ở Paris” không phải tự chàng nhận được, mà lại là
thông qua Lilia Brik. Điều này một lần nữa chứng tỏ mọi cố gắng
của chàng định rời bỏ gia đình Brik, tự lo liệu công việc của mình chỉ
là hoài công vô ích.
Sự chênh lệch ngày tháng cũng gây lúng túng. Chẳng hạn, trong
thư gửi từ Paris vào thượng tuần tháng 10, Elza Triolet viết về
chuyện Tatiana Iakovleva lấy chồng cứ như là việc đã xảy ra - mặc
áo dài trắng, đội mũ cô dâu. Kỳ thực lễ cưới của Tatiana Iakovleva
với tử tước Du Plessi diễn ra muộn hơn nhiều – mãi ngày 23 tháng
12 năm 1929 !
Vì lẽ gì đó, Elza đã nói trước chuyện chưa xảy ra. Tiếp đó, Elsa
còn viết “Tatiana Iakovleva đi lấy chồng, hình như là một gã tử
tước người Pháp thì phải…” Tại sao phải vờ vịt như thế? Elza Triolet
còn lạ gì “gã tử tước” đó kia chứ! Hồi tháng 4, trong bữa tiệc tiễn
Maiakovski rời Paris, bà ta đã ngồi cùng bàn với chính “gã tử tước”
đó. Hơn thế bà ta còn viết về y trong hồi ký của mình, rằng
Tatiana Iakovleva trong lúc yêu Maiakovski vẫn thường gặp người
chồng tương lai của mình, tức tử tước Du Plessi. Ngay Lilia Brik dĩ
nhiên cũng còn biết “gã tử tước” qua thư của em gái mình.