Maiakovski sẽ thấy thế nào? Sau tất cả chuyện đó, liệu chuyến
đi sang Paris còn có ý nghĩa nữa chăng? Ta đã biết rõ lòng tự ái của
nhà thơ, cảm giác rõ rệt về giá trị của mình, làm sao có thể nghĩ
rằng bất chấp mọi chuyện đó, nhà thơ vẫn cứ sang Pháp?!
Vậy mà nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu tiểu sử
Maiakovski vẫn cứ khẳng định: Maiakovski rất muốn đi Paris,
nhưng người ta không cấp visa cho chàng! Khẳng định đó dựa trên
căn cứ nào? Trên lời đồn đại hay có tư liệu gì chăng? Có thể nhà thơ
đã xin cấp thị thực xuất cảnh, và quả thực đã bị từ chối chăng?
Viện lưu trữ chính sách đối ngoại của Bộ ngoại giao Liên Xô.
Chiếc cặp số 177 chứa đựng “Hồ sơ cá nhân của các công dân Liên
Xô ra nước ngoài”. Trên bìa có dòng chữ bằng mực tím: Hồ sơ số
9380. Maiakovski V. V., ngày 21 tháng 9 năm 1928”. Bên trong có
bản sao “Đơn xin cấp hộ chiếu” (Bản chính lưu trữ ở Viện bảo tàng
Văn học quốc gia), chứ không có bất kỳ giấy tờ nào khác. Trên tờ
“Đơn xin …” in sẵn theo mẫu đó (được Maiakovski điền vào trước
chuyến đi năm 1928), ta biết rằng nhà thơ được cấp hộ chiếu
số 134156/26524 AOMC, ngày 10 tháng 7 năm 1928. Bốn chữ viết
tắt AOMC có gì khó hiểu chăng? Không có gì, đó có nghĩa là
Administrativnyi otdel Mossoveta – Ban hành chính của Xô viết
Moskva. Một cơ quan lớn, không chỉ có quyền cấp hộ chiếu cho
các công dân Liên Xô đi ra nước ngoài, mà còn có quyền xét cho
người nước ngoài nhập quốc tịch Liên Xô. Thời ấy, văn phòng Ban
này đặt ở số nhà 38, đường Petrovka. Trong ban có tiểu ban ngoại
vụ, trong tiểu ban ngoại vụ có Phòng thị thực.
Năm 1930, do cải tổ, Xô viết Moskva được chia ra. Nói chính xác
là Ban chấp hành Xô viết Moskva được tách ra khỏi Xô viết
Moskva. Hồ sơ lưu trữ cũng được chia đôi. Những gì liên quan đến