thường, bên cạnh những cái tên đáng ghét đối với Stalin, như
Bukharin, Rykov, Tomsky, Antonov-Ovseenko.
Hôm nay chúng ta biết rằng Stalin đã kiên trì tìm kiếm một
nghệ sĩ có khả năng khắc họa “hình tượng bất tử” của ông ta cho
mai sau. Và Stalin thừa hiểu, chỉ các nghệ sĩ chân chính mới làm nổi
việc đó. Phải nói cho công bằng, rằng vị Tổng bí thư biết rõ giá trị
của M. Bulgakov, A. Platonov (“tài năng, nhưng khốn kiếp”), chắc
cũng hiểu tầm vóc tài năng của Maiakovski. Tổng bí thư hiểu và…
chờ một bản trường ca nhan đề “ Iosif Vissarinovich Stalin ” sau bản
trường ca “ Vladimir Ilich Lenin ”. Nhưng không thấy gì. Nhà thơ đã
không đáp ứng hi vọng. Đã vậy, lại còn nghe nói: cái gã ca tụng Lenin
ấy đang chuẩn bị một cuộc triển lãm mừng 20 năm hoạt động gì
đấy, định khai trương vào tháng 12 của năm 1929 này, năm mừng
sinh nhật 50 năm của Tổng bí thư nữa chứ! Gã lại còn viết các vở
kịch gì đó. Kịch châm biếm. Ồ, các vở kịch thì tạm thời chưa cần
động tới, cũng chưa nên động tới, vì gã được thừa nhận khắp thế
giới. Nhưng cần cho gã hiểu rằng trước tiên cần phải viết về ai.
Nếu chấp nhận cách lập luận như trên của Stalin, thì cũng chẳng
cần phải có trí tưởng tượng phong phú, cũng sẽ có thể hình dung
cảnh sau đây chẳng hạn: Vị lãnh tụ khẽ kéo rèm, nhìn ra bóng tối
tháng Chạp bên ngoài, vẩy vẩy tàn thuốc khỏi cái tẩu, nói thành
tiếng: “Y muốn gì, cái gã Maiakovski ấy?” Chỉ cần lúc ấy có ai
đó kính cẩn đứng sau lưng vị lãnh tụ nghe thấy, thế là một bộ máy
nghiệt ngã đáng sợ sẽ được khởi động. Những kẻ nịnh bợ chính trị,
muốn làm vừa lòng vị lãnh tụ, sẵn sàng làm tất cả…
Ta hãy bỏ phỏng đoán để trở về thực tế. Buổi liên hoan ở phố
Gendrik đã tàn, đã bước sang năm mới 1930. Những ngày đầu năm
đem đến toàn chuyện khó chịu cho gia đình Brik. Ngày 8 tháng 1,