tay cầu nguyện. Tình yêu – là một cặp đã hé mở cho Starugin bí mật của
thánh đường trong lòng đất này. Chiếc xe … Công lý… Tu sĩ…
Tiếp theo, nơi mà theo đúng thứ tự sẽ phải là Bánh xe Số phận,
Starugin lại trông thấy một bức tranh tường khác.
Nó lớn hơn hẳn các bức tranh còn lại và được vẽ theo một phong cách
hoàn toàn khác.
Nếu như các Vòng tròn được vẽ sáng sủa, dễ nhìn, hiệu quả, nhưng
không tập trung vào các chi tiết, không đạt tính chân thực và hiệu quả chân
dung, thì bức tranh này lại gây sửng sốt bằng sự chân thực đến ma quái.
Dường như, bức tranh này là một tác phẩm của chính Rembrandt –
cũng kiểu cẩn thận, cũng kiểu tái tạo lại hình ảnh trong phòng tối, chỉ sử
dụng ánh nến để chiếu sáng. Chỉ Rembrandt mới có thể chuyển tải thành
công những đốm sáng lung linh và những góc khuất tối tăm, chỉ có
Rembrandt mới có thể thể hiện được rõ nét bộ mặt của hai người đang chơi
bài trên một chiếc bàn nhỏ. Bài Taro, như Starugin nhận thấy.
Một trong hai người chơi là một cụ già mặc áo đỏ thẫm, với chòm râu
xám khá dài và bộ mặt nhăn nheo như vừa chui ra từ một khúc gỗ.
Khuôn mặt của cụ già khá quen thuộc với Starugin, chắc chắn ông ta
đã làm mẫu cho Rembrandt cho một trong vô số các bức chân dung của các
danh nhân Amsterdam mà danh họa thực hiện trong những năm cuối đời.
Nhưng còn người thứ hai…
Mặc bộ đồ toàn màu đen, trông hắn ta có vẻ giống với… hoàn toàn
chẳng giống với ai cả. Dường như khuôn mặt hắn ta thay đổi mỗi giây, như
sóng biển hay ngày lộng gió. Starugin lùi lại một bước, anh ngắm lại hắn ta
một lần nữa, và đột nhiên hiểu ra, trông hắn ta giống ai.
Hắn ta giống hệt hình ảnh của anh trong gương.
Đúng thế, người đàn ông đó giống hệt anh, giống Dmitrii Alecseevich
Starugin, - mặc dù, sự tương đồng đó trước đó một phút còn chưa xuất
hiện, và cho đến lúc này đã không còn nữa. Starugin lùi xa hơn. Người
trong tranh như một chiếc gương sống – hắn ta ghi lại tất cả những gì xuất
hiện, không chỉ vẻ ngoài, mà thậm chí có vẻ như cả những suy nghĩ riêng
tư trong đầu.