việc của bọn ta! Bọn ta chỉ có mỗi một việc là thúc giục anh lần theo các
dấu vết, để anh chẳng còn thời gian mà đánh hơi thấy điều gì khả nghi nữa!
Starugin như chết đứng tại chỗ. Đầu anh quay cuồng như bị siết bởi
một cái đai sắt.
Tại sao anh ngu ngốc đến thế! Tại sao lại ngu ngốc và nhẹ dạ đến thế!
Rất nhiều biểu hiện của Katarzina hết sức kì quặc, khả nghi, nhưng
anh đã bỏ qua hết cả! Bây giờ trong đầu anh, bất chấp cơn đau, những hành
động kì quặc của cô ta lần lượt hiện lên như một khúc phim quay chậm.
Thái độ khinh khỉnh ban đầu của cô ta khi mới gặp anh, rồi chuyển dần
thành quan tâm khi cô ta biết anh là một nhà nghiên cứu nghệ thuật đặc
biệt, chính là Dmitrii Starugin, người đã nổi tiếng trong vụ “Madonna
Litta” (*).
(Là một vụ tìm kiếm bức tranh của Leonardo de Vinci được mô tả
trong cuốn truyện thứ nhất cũng của tác giả này.)
Sự sợ hãi rất thành thực của cô ta khie biết bức tranh “Tuần tra đêm”
hiện giờ ở bảo tàng Hermitage là bức tranh giả. Và anh, một thằng ngốc
đúng nghĩa, đã không nghĩ được gì thông minh hơn việc tin tưởng vào một
người khả nghi tình cờ trên đường. Cô ta, đúng là được giới thiệu bởi
Miroslav Pesta, mà hắn ta thì Starugin còn chưa từng gặp lần nào trong đời,
vậy mà chẳng hiểu sao anh lại cho rằng, ả đàn bà lố lăng này lại đáng tin
cậy?
Và trong khi số phận cố sức để bảo vệ anh, thì anh lại tin tưởng mà đi
vào một mạng nhện giăng sẵn, như một con rối ngu ngốc. Cô gái đã làm
anh rối trí bằng những truyền thuyết về phù thủy thời Trung Cổ ở Praha, và
đẩy sự chú ý của anh sang những đồ vật khả nghi.
Khi đó, lúc còn ở Praha, sau cái chết của người đàn ông, khi bị ngã lăn
trên cầu thang, cô ta đã vô tình thốt rằng, đó là một người trọc đầu – nhưng
cô ta có nhìn thấy ông ta đâu. Đó là bản sao của viên trung sĩ Engelen, mà
trên bức tranh ông ta đội mũ!
Và nữa, ở căn nhà trên sông Quỉ cái, nơi mà họ lần đầu tiên gặp
Lôiza… Ngoài ba người bọn họ ra thì chẳng còn ai khác, ngoại trừ người
đã bị chết treo…