quân của Đại tá Banning Cocq. Và một số người nữa, những người không
hề trả tiền để được lưu danh muôn thủa.
Và điều ngạc nhiên nhất – đó là hình ảnh một cô gái gần như ở trung
tâm của bức tranh, được chiếu bằng ánh sáng vàng, quấn khăn đỏ, tóc đính
ngọc trai. Những người dân quân hoàn toàn không muốn có sự hiện diện
của cô ta trong hàng ngũ của họ. Cô ta là ai? Không ai biết. Tại sao người
họa sĩ lại thể hiện hình ảnh cô ta với sự kĩ lưỡng và trìu mến đến thế? Một
số người nhận ra sự tương đồng giữa cô ta và hình ảnh Saskia- người vợ
đầu tiên của Rembrandt, đã chết rất trẻ ngay trong năm mà bức tranh hoàn
thành. Có thể, danh họa đã vẽ cô ta giống Saskia một cách vô tình. Ở thắt
lưng cô gái treo một chiếc ví và một con ngỗng trắng, là nguyên nhân gây
ra cái nhún vai ở tất cả những người nghiên cứu các tác phẩm của
Rembrandt.
Người ta biết rằng, Rembrandt đã sưu tầm một lượng lớn đồ quí hiếm.
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật là các thiết bị khoa học, vải vóc cổ đắt
giá, chai lọ, xương thú, thực vật từ châu Á và châu Phi. Tất cả những thứ
này được danh họa sử dụng trong sáng tác – ông diện cho nhân vật những
bộ đồ kì quặc được may từ vải vóc cổ. Thế còn con ngỗng?
Trước đây, Starugin cho rằng Rembrandt đã vẽ bức tranh một cách
ngẫu hứng, lúc này hoàn toàn có thể là, trong bức tranh có một hệ thống
chặt chẽ nào đó, mọi nhân vật đều quan trọng. Và chúng đóng vai trò gì,
chính là điều mà anh cần phải biết.
***
Điều đầu tiên đập vào mắt Starugin khi anh rời khỏi quầy kiểm tra
giấy tờ nhập cảnh là tên của anh, được viết trên một tấm bìa cac-ton bằng
những chữ cái La-tinh to tướng. Tấm bìa được cầm bởi một cô gái cao ráo,
mặc quần bò bó tối màu, khoác một chiếc áo da kì quặc cả về màu sắc lẫn
kiểu may – tất cả các vết may đều bằng chỉ xám.
“Có lẽ, đây đang là mốt”, - Starugin nghĩ trong lúc dè dặt tiến lại gần
cô gái và nhận ra rằng, mỗi chiếc cúc áo lại có một màu sắc và kiểu dáng
riêng.