"LÚC" theo sau tội ác. Lúc thứ nhất thì ở trước cửa, sẵn sàng chặn đường
nó, có ông Stangerson và bõ Jacques. Lúc thứ hai, bõ Jacques vắng mặt vài
phút, ông Stangerson một mình ở lại trước cửa. Lúc thứ ba, ông gác cổng
đến với ông Stangerson. Lúc thứ tư, trước cửa có ông Stangerson, anh gác
cổng, vợ anh và bõ Jacques. Lúc thứ năm, cửa bị phá, bốn người ùa vào
"Căn Phòng Vàng". Cái lúc nó tẩu thoát dễ cắt nghĩa nhất chính là lúc trước
cửa có ít người nhất. Có một lúc chỉ có một người: đó là lúc ông Stangerson
Ở LẠI MỘT MÌNH TRƯỚC CỬA. Trừ trường hợp buộc chết cho bõ
Jacques là tòng phạm bằng im lặng, và tôi không tin bõ Jacques là tòng
phạm, bởi lẽ bõ Jacques sẽ không ra khỏi biệt thất để đi xem xét cái của sổ
của "Căn Phòng Vàng”, nếu bõ đã thấy cửa mở và tên sát nhân ở trong chạy
ra. THẾ THÌ CỬA CHỈ MỞ LÚC ÔNG STANGERSON CÓ MỘT MÌNH
VÀ NÓ ĐI RA. Đến đây, chúng ta cần chấp nhận rằng ông Stangerson có
những lý do vững mạnh để không bắt giữ hoặc hô hoán bắt giữ tên sát nhân,
vì ông đã để mặc cho nó tới tận cửa sổ gian tiền đình, rồi đóng cửa sổ lại
khi nó đã leo qua !
Xong việc này, vì bõ Jacques sắp trở lại và CẦN ĐỂ BÕ THẤY LẠI
MỌI SỰ ĐÂU VẪN YÊN ĐẤY, cô Stangerson chắc bị cha quở trách sao
đó nên mặc dầu thương tích trầm trọng, vẫn còn đủ sức để khoá trái căn
"Căn Phòng Vàng” và cài chốt lại như cũ trước khi cô gục xuống sàn nhà
chết giấc. Chúng ta không biết kẻ nào phạm tội ác, chúng ta không biết ông
và cô Stangerson là nạn nhân của tên khốn nạn nào, nhưng không thể nghi
ngờ, cha con cô biết nó là ai ! Cái bí mật này phải vô cùng khủng khiếp đến
đỗi người cha đã không ngần ngại bỏ con gái đang hấp hối sau cánh cửa mà
chính cô đã đóng lại, khủng khiếp đến độ ông đành để tên sát nhân tẩu
thoát. Vậy đó, LÀM GÌ CÓ CÁCH NÀO KHÁC TRÊN ĐỜI ĐỂ GIẢI
THÍCH VIỆC TÊN SÁT NHÂN TRỐN RA KHỎI "CĂN PHÒNG VÀNG"
Không khí im lặng tiếp theo tràng thuyết minh bi thảm và sáng sủa
này có một cái gì ghê rợn. Hết thảy chúng tôi cùng đau đớn cho vị giáo sư
danh tiếng bị lập luận tàn nhẫn của Frédéric Larsan dồn đến chân tường, bị
buộc phải, hoặc thú thực với chúng tôi nỗi thống khổ của mình, hoặc câm
nín, một lời thú tội còn khủng khiếp hơn. Con người ấy, pho tượng hiện
thân của đau đớn từ từ đứng dậy. Ông giơ cao tay thành một cử chỉ long