Mãi tới tháng năm 1962, Ta-áp mới nhận được lệnh của Ten A-víp điều
tra về số phận của tên hạ sĩ Đơ-via, mất tích ở Nu-kê-íp. Lần đầu tiên hôm
ấy, Ta-áp gặp những khó khăn kỹ thuật khi nhận điện mật của Ten A-víp. Y
bắt buộc phải gọi lại và yêu cầu nhắc lại câu hỏi. Việc xảy ra rất sớm vào
buổi sáng, Ta-áp nhận bức điện thứ hai và dịch ngay. Bức điện viết:
“Tên lính bị mất tích từ trận Nu-kê-íp, Y-a-cốp Đơ-via, mười chín tuổi,
hạ sĩ. Thử tìm xem nếu nó có ở bên anh, sống hay chết.Hết!”
Ta-áp biết là việc gì rồi. Đôi khi hắn có thói quen bạo phổi dám nghe
những buổi phát thanh của đài phát thanh I-xra-en phát bằng tiếng A-Rập.
Tất nhiên là Ta-áp không dám nghe những buổi phát thanh bằng tiếng
Hê-bơ-rơ của đài Giê-ru-xa-lem. Nhưng y nghĩ rằng cũng chẳng có nguy
hiểm gì khi năm thì mười họa mới mở đài nghe buổi phát tin tức I-xra-en
bằng tiếng A-Rập. Cũng do nghe một buổi phát thanh ấy mà y được biết tin
mất tích của viên hạ sĩ trẻ tuổi, y còn biết thêm rằng chính quyền Xy-ri phủ
nhận những luận cứ của I-xra-en và cho là không biết gì về số phận của Y-
a-cốp Đơ-via cả.
Nhiệm vụ của Ten A-víp vừa giao cho Ta-áp đã làm y lo nghĩ suốt cả
thời gian công tác ở Xy-ri. Y không hề bỏ lỡ một dịp nào để dò hỏi về số
phận của người mất tích. Nhưng ròng rã ba năm, vẫn uổng công vô ích. Tên
lính Đơ-via tan như mây khói không để lại dấu vết gì.
Ma-a-di En-din là người đầu tiên mà Ca-man Ta-áp đặt vấn đề hỏi về số
phận của tên hạ sĩ I-xra-en. Việc này xảy ra ở nhà viên tộc trưởng Mác An
A, hôm Ta-áp cùng với Ma-a-di và anh chàng A-lê-san đến chơi. Vì là một
nhân vật nổi tiếng ở Đa-mát, nên viên tộc trưởng tiếp đãi Ta-áp và mấy
người bạn của y với tất cả sự quí mến dành cho chức vụ quân sự của người
này và cương vị xã hội của người kia. Còn Ma-a-di và A-lê-san không khỏi
ngạc nhiên trước tình thân mật của viên tộc trưởng với Ca-man Ta-áp.