Thế là Nab đã lọt được vào Richmond, nhưng thoát ra khỏi nơi đây thì
lại khó hơn nhiều, vì số tù binh của quân đội liên bang bị giám sát rất ngặt
nghèo. Muốn chạy trốn, mặc dù hy vọng trót lọt rất mỏng manh, thì phải
đợi dịp hiếm hoi, nhưng những dịp như thế mãi vẫn chưa đến, mà tạo ra
được dịp đâu phải dễ dàng.
Trong khi ấy, tướng Grant tiếp tục tiến hành những hành động quân sự
có tính chất quyết định. Trong trận kịch chiến với quân phía nam ở
Petersburg ông đã giành được thắng lợi. Nhưng liên quân của ông và của
Butler vẫn chưa thể đạt được điều gì trong cuộc bao vây Richmond và chưa
có gì báo hiệu sắp giải thoát được tù binh cả. Cuộc sống đơn điệu của
người tù chẳng có gì để cho phóng viên viết được, vì vậy, ông đã không đủ
sức chịu đựng nữa. Ý nghĩ chạy trốn khỏi Richmond, trốn bằng bất kỳ giá
nào, cứ ám ảnh ông hoài. Đã mấy lần ông định thực hiện điều ấy mà không
được: có nhiều trở ngại không thể khắc phục nổi.
Cuộc bao vây thành phố vẫn tiếp diễn, và nếu những người tù binh khao
khát chạy trốn khỏi đó để trở lại quân đội của tướng Grant, thì lại có những
người bị bao vây rất muốn rời khỏi Richmond để về với quân đội của phái
phân lập; trong số những người lính ấy có cả Forster - một người rất mực
trung thành với quân đội phương nam. Thật ra, nếu những tù binh của quân
đội liên bang không thể thoát khỏi thành phố thì cả những người theo phái
phân lập cũng không thể làm được điều đó, bởi vì quân đội phương bắc đã
bao vây thành phố từ các phía. Thị trưởng Richmond đã từ lâu mất liên lạc
với tướng Lee, mà điều cực kỳ quan trọng là làm sao thông báo được cho
ông ta biết tình hình trong thành phố và yêu cầu nhanh chóng điều quân
đến cứu viện những người bị bao vây. Thế là Jonathan Forster nảy ra ý định
ngồi lên nôi của một khí cầu để bay khỏi Richmond, vượt qua tuyến quân
đội bao vây để tìm đến bản doanh của quân đội phân lập.