- Vào đây. Ông vừa đi bắt ba ba về. Vào đâyo xem này.
Hai anh em tôi xúm quanh chiếc vại sành lớn đặt ở cạnh bể nước. Trong
vại có đến năm, sáu con ba ba rất lớn. Lâu lắm rồi ông Bộc mới lại đi bắt ba
ba. Gần năm nay, ông yếu hẳn và nhiều lúc cảm thấy sợ nước. Những con
ba ba to gần bằng cái mũ cắt nằm chồng lên nhau im thin thít. Thi thoảng
chúng mới thò cái đầu ra khỏi mai, ngước đôi mắt bé tí nhìn chúng tôi. Tôi
thấy những con ba ba thật hiền lành. Bà tôi biết chúng tôi hay sang nhà ông
Bộc xem ba ba thì dặn: “Hai cháu đừng có thò tay vào mà ba ba nó cắn. Nó
mà cắn thì chẳng làm sao gỡ ra được. Chỉ trừ khi có sấm”. Chúng tôi hỏi
bà: “Ba ba sợ sấm hả bà?”. Bà bảo: “Ừ”. Chúng tôi lại hỏi: “Tại sao nó lại
sợ mỗi sấm?”. Bà tôi nghiêm giọng: “Vì sấm là ông giời. Nó chỉ sợ giời
thôi”. “Thế không có sấm thì làm sao?”. Bà tôi cười: “Thì người ta kéo cối
xay lúa. Nó nghe tưởng là tiếng của giời, nó nhả ra”.
Ông Bộc là người có tài bắt ba ba nổi tiếng cả một vùng. Bố ông xưa kia
cũng chỉ sống bằng nghề bắt ba ba và câu cá quả. Vào mùa hạ, ông Bộc dậy
rất sớm ra đầm Vực. Ông men theo bờ đầm và quan sát trên mặt nước. Ba
ba khi bơi dưới mặt bùn nhả tăm rất nhiều. Nhìn tăm, ông Bộc biết được
tăm nào là tăm ba ba và to hay nhỏ. Cứ thế ông lặn xuống nước, chỉ một
loáng ông đã lôi được con ba ba lên bờ. Lũ trẻ xóm trại cũng đã nhiều lần
được ông cho đi theo để xem ông bắt ba ba.
Ông Bộc nuôi ba ba trong những chiếc vại sành. Ông bảo như thế ba ba
mới không trốn đi được. Ông kể với chúng tôi ba ba là giống rất khỏe. Thuở
bố ông Bộc còn sống, bố ông bắt được một con ba ba lớn. Ông cụ phải dùng
cối đá để úp con ba ba đó. Sáng sau tỉnh dậy, không thấy cái cối đá đâu nữa.
Ông cụ chạy đi tìm thì thấy cái cối đá từ góc sân đã được chuyển ra cửa
ngõ. Hóa ra con ba ba cứ vừa bò trong cái cối đá vừa đẩy cái cối đá đi suốt
đêm.
Cứ đến phiên chợ Đình hay chợ Thá, ông Bộc lại bắt lũ ba ba nhốt vào
hai cái lồng sắt mang bán và lúc nào cũng vậy, sau buổi chợ chúng tôi kéo