Đào Cam cúi gập người vái ba vái. Sau đó, để lấy lòng đám hòa thượng, tay
phải y làm ra vẻ như thả mấy đồng xu vào chiếc hòm công đức gỗ, đồng
thời dùng ống tay áo trái đựng hai xâu tiền xu bên trong gõ nhẹ vào chiếc
hòm, giả tiếng động khi tiền rơi vào trong.
Y đứng im một lát trước chân tượng, hai tay chắp trước ngực, lại vái ba vái
rồi bước ra ngoài. Đào Cam đi vòng sang bên phải, nhưng nhanh chóng gặp
một chiếc cổng khép kín. Đang tự nhủ không biết có nên thử mở cửa không
thì một hòa thượng bước ra hỏi y, “Phải chăng thí chủ muốn gặp trụ trì của
chùa ta?”
Đào Cam vội vàng lịch thiệp từ chối và quay ngược trở lại. Y đi qua chính
diện đại sảnh, lần này vòng sang trái, đi theo hành lang có mái che tới một
cầu thang dẫn xuống cánh cổng nhỏ trên có ghi dòng chữ ‘Người không
phận sự xin miễn vào’.
Không để ý đến lời thông báo nhã nhặn này, Đào Cam nhanh chóng đẩy mở
cánh cửa và thấy mình lọt vào một hoa viên diệu kỳ. Bên trong có một lối
đi lượn quanh co giữa các khóm hoa cùng những tòa giả sơn. Xa xa, dưới
tán lá là mái ngói xanh lam bóng lộn với những khung gỗ sơn đỏ của dãy
đình các xinh xắn đang phản chiếu lấp lánh dưới ánh nắng.
“Đây chính là chỗ dành cho khách qua đêm,” Đào Cam nghĩ bụng, rồi ẩn
mình vào bụi cây, cởi nhanh ngoại y, lộn trái ra và lại mặc vội vào. Hóa ra
bên trong chiếc áo được khéo léo lót một lớp vải gai thô, giống như loại
trang phục của tầng lớp thợ thủ công. Sau đó y lột mũ vải nhét vào ống tay
áo, lấy một miếng vải xấu xí buộc quanh đầu và xắn ống quần lên để hở xà
cạp. Cuối cùng y lôi trong ống tay áo ra một cuộn vải xanh đỏ.
Cuộn vải này là một trong những phát minh tài tình của Đào Cam. Khi mở
ra nó giống như một tấm vải hình vuông đơn giản, thường được dùng để
bọc tay nải. Nhưng những nếp gấp khéo léo cũng như một loạt mẩu tre nhỏ
được may giấu bên trong cho phép y có thể biến nó thành nhiều hình dạng