tìm ra thủ phạm vụ án Tiêu Thuần Ngọc không? Phải chăng tốt hơn là ông
nên để Kiều Thái hỗ trợ tra xét?
Bị giày vò bởi những hoài nghi, huyện lệnh càng cảm thấy tinh thần suy
sụp. Nỗi tuyệt vọng càng trở nên cao độ khi đoàn người lỡ mất chuyến phà
chở khách qua sông, làm ông phải đợi mất nửa canh giờ. Khi họ vào tới
trấn thì trời đã tối.
Toán bộ khoái cầm đèn lồng bước tới đỡ huyện lệnh xuống kiệu, trước
khách sảnh của nha môn huyện Quyên Thành.
Lỗ tri huyện tiếp đón Địch Nhân Kiệt rất long trọng, dẫn ông vào đại sảnh
trang hoàng lộng lẫy. Địch Nhân Kiệt thầm nghĩ rằng họ Lỗ đúng là trái
ngược hẳn với Bàng đồng liêu. Tuổi đời còn khá trẻ, thấp bé béo lùn và vui
tính, Lỗ tri huyện không nuôi râu quai nón mà để ria mép vuốt nhọn hai
đầu và một chòm râu dê theo đúng trào lưu ở kinh thành bấy giờ.
Trong khi đôi bên khách sáo vài lời, Địch Nhân Kiệt nghe thấy tiếng nữ
nhân ca hát ở phòng bên vọng tới. Lỗ đại nhân rối rít xin lỗi, giải thích đã
mạn phép mời mấy bằng hữu đến chơi mừng khách. Nhưng vì đợi mãi
không thấy Địch tri huyện tới, nên ông ta cho rằng có thể khách không tới
được tối nay, thế là mọi người liền ngồi vào mâm. Cuối cùng chủ nhà đề
nghị sẽ mời riêng Địch tri huyện dùng bữa trong một căn buồng nhỏ và
đàm luận về những vấn đề công sự mà cả hai cùng quan tâm.
Mặc dù Lỗ tri huyện nói vậy, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy kiểu đàm
luận như vậy không phù hợp với cái mà ông ta gọi là ‘buổi dạ đàm thú vị’.
Bản thân cũng không hứng thú tham gia một cuộc mạn đàm nghiêm túc,
Địch Nhân Kiệt đáp rằng, “Thú thật với Lỗ đại nhân là tại hạ cũng đã thấm
mệt, nếu ngài không ngại thì tại hạ xin bày tỏ nguyện vọng muốn được
dùng bữa cùng chư vị bằng hữu của ngài, xem như làm quen.”