Một cơn gió rền rĩ thổi qua góc ngôi nhà làm những cánh cửa kiểu Pháp mở
ra ban công sau lưng chúng tôi kêu lách cách. Tôi nhấp một ngụm rượu.
“Vì ông ta chính là đứa bé được mang đi giấu”.
Trong giây lát, tiếng động duy nhất trong phòng là tiếng ngọn lửa lách cách
trong lò sưởi. Rồi Henry bật cười. “Không thể có chuyện cô tin vào một
chuyện tầm phào như thế!”. Ông cười phá lên, rót thêm brandy vào cốc của
tôi.
Tôi mỉm cười. “Không. Roz cũng không. Chúng tôi thường bật cười trước
phần lớn những câu chuyện như vậy - cho dù một hay hai câu chuyện quả
thực là những bi kịch”. Tôi đứng dậy, bước lại gần lò sưởi. “Tôi không tin
bà ấy lại theo đuổi một trong những câu chuyện đó nếu không có lý do chắc
chắn, nghiêm túc về mặt học thuật. Nhưng có phải vậy hay không đâu còn
quan trọng, đúng không nào? Có thể bà ấy bị sát hạn bởi một kẻ nghĩ rằng
bà đã tìm thấy điều gì đó”.
“Hoặc sợ bà sẽ tìm thấy”.
Tôi đặt cốc rượu của mình xuống mặt lò sưởi. “Nhưng đó là cái gì? Ở đâu?
Có khoảng hai trăm ba mươi bản gốc của Tuyển tập còn tồn tại đến ngày
nay, rải rác khắp thế giới. Cho dù tôi biết bí mật nằm trong cuốn nào trong
số đó - hay bà ấy chứng minh được đã tìm ra điều gì đó có trong mỗi cuốn
sách - thì đây vẫn là một cuốn sách rất dày. Tôi phải tìm thứ gì đây?”
Henry cúi xuống nhìn tấm thẻ trên mặt bàn. “Hãy nghe tôi đoán nhé.” ông
nói. “Bà ấy đã chọn ra những câu thơ từ các bài sonnet số mười sáu và hai
mươi ba để ghép lại thành thời điểm. Nhưng trong mỗi bài sonnet có mười
bốn câu để chọn. Tại sai lại là những câu đó?” Ông gõ ngón tay lên tấm thẻ.
Tôi đọc những dòng thơ ông chỉ vào:
“Vậy hãy để những cuốn sách của tôi làm lời hùng biện
Và những nhà tiên tri câm lặng thay cho tiếng nói của tôi.”
Đáp án chợt lóe khiến người tôi nóng bừng. “Bà ấy muốn nói đến những
cuốn sách của chính mình đúng không? Không chỉ là những cuốn sách của
Shakespeare. Tuyệt lắm, Henry”.
“Với một giáo sư có vô số công trình nghiên cứu như bà ấy thì gợi ý như
vậy cũng chẳng khác gì đãi cát tìm vàng”.