hòm đồ nghề vào xưởng. Bi-ốt-ghe tranh thủ hỏi thăm tình hình ngoài phố:
Chợ búa ra sao, giá cả thế nào, những chuyến xe ngựa từ Mây-xen đi các
nơi hàng ngày vẫn đông khách chứ?
Chờ cho tên lính đi khỏi, bác thợ cạo bèn rút ở cái nắp hộp xà phòng
cạo râu ra đưa cho Bi-ốt-ghe một bức thư viết vào một mảnh giấy chỉ nhỏ
bằng nửa bàn tay mà lời và ý thật dồi dào, bóng gió. Người viết bức thư đó
chẳng phải ai xa lạ mà vẫn là bá tước Đi-xmắc.
Ngồi vào ghế Bi-ốt-ghe ngắm mình vào chiếc gương soi trước mắt.
Ông thật không ngờ mình lại chóng già đến thế! Mái tóc đã bạc phơ, bộ râu
cũng trắng như cước. Thì ra mải mê làm việc trong phòng thí nghiệm, tuổi
già xộc đến lúc nào không biết.
Dễ thường, mình cũng chẳng còn sống được bao năm nữa, mà kéo dài
cuộc sống tù túng thế này, đâu có gọi là sống được. Chưa bao giờ Bi-ốt-ghe
lại khao khát tự do như thế này.
Chính vì mình đã già yếu rồi nên mới càng cần được sống trong tự do
phóng khoáng. Sống một năm tự do còn hơn kéo dài cả cuộc đời trong tù
túng.
Bi-ốt-ghe gạt đống đơn đặt hàng từ khắp nơi tới tấp gửi về xưởng
Mây-xen. Họ đặt nào là loại bình hoa loại to men trắng, nào là loại thống sứ
để trồng cây cảnh, nào là loại đĩa bầu dục có thể đựng gọn một con cá chiều
dài gần một thước.
Nhìn trước nhìn sau không có ai, Bi-ốt-ghe bèn bóc thư ra xem rõ
nhanh rồi châm lửa đốt luôn. Ngoài ra Bi-ốt-ghe còn cẩn thận vò nát cả tro
thư đổ vào sọt. Tim ông bắt đầu đập mạnh.
Qua một số thư từ trước đây, Bi-ốt-ghe vẫn chờ đợi ngày hôm nay. Vì
thế ông đã chuẩn bị sẵn tất cả những tài liệu gì mà ông đã ghi chép được
trong quá trình tìm ra men sứ, kể cả phương pháp chế tạo và một số nguyên
vật liệu cần thiết. Ngay cả kiểu lò nung, ông cũng vẽ lại khá tỷ mỷ. Bi-ốt-
ghe cảm thấy chỉ với những tài liệu quý giá này, một người thợ nặn đất
bình thường cũng có thể sản xuất đồ sứ được.