tiếng con khóc, rồi dàn nho, giếng nước, tiếng bước chân đàn cừu… Bất
giác Phô-lê không cầm nổi nước mắt.
Thép! Chỉ vì một nước thép mà Phô-lê rời bỏ cả quê hương ra đi…
*
Từ thủ đô Bơ-ruy-xen-lơ đi về phía nam chừng ba chục ki-lô-mét,
không một ai là không biết tiếng Đơ-rao-tinh. Ông ta là chủ một xưởng
máy có lò đúc thép. Thứ thép của ông ta khá tốt.
Phô-lê tìm tới một quán trọ ở gần lò đúc thép của Đơ-rao-tinh. Từ đó
lúc nào trong quán cũng réo rắt tiếng đàn của Phô-lê. Chủ quán chỉ tính tiền
trọ vì từ ngày Phô-lê tới ở, quán mỗi ngày một đông khách. Rượu, cà phê
thì vẫn hai thứ ấy. Thức nhắm thì cũng chẳng có thứ gì hơn. Có lẽ nhờ tiếng
đàn mà cánh thợ thuyền của ông Đơ-rao-tinh kéo đến mỗi ngày một đông.
Còn Phô-lê, bất cứ lúc nào hạ cây đàn xuống là anh lại nhớ tới nhiệm vụ
chính của mình.
Dĩ nhiên Phô-lê vốn hiểu rõ gang do còn chứa một số tạp chất có hại
như các-bon, lưu huỳnh, phốt-pho… nên thường bị giòn mà muốn chế tạo
ra được các thứ máy móc, dụng cụ thì đòi hỏi phải có một thứ kim loại nào
đó vừa dẻo, vừa dai và phải cứng nữa, do đó phải luyện gang thành thép.
Cái bí mật là nằm ở chỗ luyện gang thành thép.
Một tuần lễ trôi qua… Chiều nay, cũng như mọi ngày cây đàn trong
tay Phô-lê như nhảy nhót theo một điệu múa nhộn nhịp Tây Ban Nha. Phô-
lê đưa mắt nhìn ra xung quanh: khán giả vẫn ngần ấy bộ mặt quen thuộc.
Anh hạ cây đàn bắt đầu ngâm nga:
“Nếu số phận anh đây phải chết!
Bóng đêm dày ta quyết đón ngày
Như em yêu quý đắm say…”
Chợt có tiếng một người reo lên:
- Sếch-xpia!