Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến một số yếu tố khác, chẳng hạn như
thành quả nghề nghiệp của ứng viên. Khi phỏng vấn, hãy lắng nghe những
thành công trong công việc trước đó của ứng viên. Đó chính là dấu hiệu duy
nhất để bạn có thể tin vào khả năng làm việc thành công của ứng viên trong
tương lai. Hãy tìm hiểu kinh nghiệm cũng như thành tựu của ứng viên thật
kỹ, thật chi tiết. Hãy đặt câu hỏi: "Chính xác là bạn đã làm gì và kết quả như
thế nào?".
Kế đến, hãy chú ý đến cách đặt câu hỏi "thông minh" của ứng viên. Chắc
các bạn đã rõ, tính cách đáng chú ý nhất của một người thông minh là tính
tò mò. Nếu tò mò, ứng viên sẽ hỏi ngay một loạt câu hỏi về bạn, về công ty,
về công việc, những cơ hội trong tương lai... Bạn có thể khơi gợi sự tò mò
bằng cách đặt câu hỏi: "Bạn có muốn hỏi gì về công ty hoặc công việc
không?".
Sau đó, bạn hãy chú ý đến khả năng sẵn sàng của ứng viên. Để kiểm tra
điều này, bạn có thể hỏi một câu đơn giản: "Nếu chúng tôi quyết định giao
công việc này cho bạn, khi nào bạn có thể bắt đầu công việc?". Cho dù bạn
có quyết định chọn họ hay không thì câu hỏi này cũng sẽ cho bạn nhiều
thông tin về ứng viên.
Ứng viên thích hợp là người muốn bắt đầu công việc ngay khi có thể.
Ứng viên không phù hợp là người đưa ra đủ mọi lý do để trì hoãn nhận
việc, hoặc không muốn bỏ công việc họ đang làm. Có trường hợp ứng viên
muốn được nghỉ ngơi một thời gian trước khi làm việc cho bạn.
Hãy nhớ rằng một quyết định nhanh chóng thường là một quyết định
sai lầm. Vì vậy, hãy tiến hành phỏng vấn trong một thời gian đủ lâu để bạn
có thời gian cân nhắc một cách thận trọng. Hãy hỏi những câu hỏi đã được
chuẩn bị trước và lắng nghe câu trả lời. Có thể ghi lại những điều ứng viên
nói. Tìm hiểu thật nhiều thông tin của ứng viên về những yếu tố bạn cho là
quan trọng nhất trong bản mô tả công việc. Bạn có thể hỏi ứng viên xem họ
có tin là mình sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao không.