Lời người dịch
Đã bao nhiêu lần bạn tự nhủ, hoặc khuyên người khác, rằng thôi, ta hãy
quên quá khứ đi, hãy đào sâu chôn chặt những chuyện đã qua để sống với
hiện tại và hướng tới tương lai? Nhưng rồi kết quả ra sao? Bạn cứ nghĩ thật
lòng mà xem.
Lần đầu đọc The Sea, nguyên tác của bản dịch bạn đang cầm trên tay
đây, tôi bỗng nhớ lại một con sâu nho. Nó to bằng một ngón tay dài mập
mạp, xanh mọng, trong veo dưới nắng sớm, bệ vệ nằm giữa những tay nho
xoăn tít cũng xanh mọng như thế và uốn lượn khắp xung quanh. Cái giàn
nho ấy mẹ tôi trồng hồi Hà Nội còn đang bị Mỹ ném bom, ngay trên khu
hầm trú ẩn công cộng mà chúng tôi đã nương náu mấy tháng trời sau khi
thoát chết lúc một quả tên lửa chệch mục tiêu phá sập hết ngôi nhà của gia
đình.
Tại sao lại con sâu nho? Nó có liên quan gì đến The Sea và John
Banville?
Vì những con chữ của cuốn sách này đã ngấm vào tôi như một dị bản
văn chương của giây phút phát ngộ đã đến với tôi nhiều năm trước đây
trong dịp sinh nhật lần thứ 50 khi tôi còn ở nơi đất khách quê người. Cái
phát ngộ ấy là thế này: cuộc đời cũng như con sâu nho, cái đầu là tương lai,
khúc giữa là hiện tại, và phần đuôi là quá khứ, có đủ cả ba phần thì mới có
con sâu nho ấy, cắt rời từng phần thì chẳng còn là nó nữa. Ngộ ra điều này,
tôi mới đủ sức chấp nhận quá khứ, không còn hoảng sợ tương lai, và như
nhân vật Max Morden, đã thấy “trong tôi, quá khứ đập như một quả tim thứ
hai.”