Nhưng cái cảm giác được tiếp xúc với cái Đẹp khi đọc văn ông thì là đích
xác, không thể lầm lẫn được.
Cái Đẹp của cuốn tiểu thuyết này không giống cái Đẹp của văn chương
theo nghĩa quan phương trong giới phê bình đương đại. Nó không hiện hình
ở chủ đề, ở câu chuyện, ở vấn đề và cách giải quyết vấn đề. Nhiều nhà phê
bình phương tây đã gọi The Sea là một tiểu thuyết không có chuyện. Hai
trong số bốn thành viên của ban giám khảo giải ManBooker 2005 đã nhất
định không bỏ phiếu cho nó. Nhưng Giáo sư Sutherland, chánh chủ khảo,
đã bỏ lá phiếu quyết định khi ông nói rằng đây là một tác phẩm văn chương
đích thực, một cuốn sách mà toàn bộ giá trị và vẻ đẹp của nó hầu như hoàn
toàn nằm trong những con chữ của chính mình. Văn chương phải là chữ
nghĩa. Thật là một nhận xét cổ điển và can đảm. Mà hoàn toàn không phải
là hình thức chủ nghĩa, vì chữ lúc nào cũng đi liền với nghĩa, nếu không thì
đâu còn là văn chương.
Tiếng Anh của John Banville trong The Sea đã làm cho tôi phải lao tâm
khổ tứ rất nhiều trong khi dịch. Để diễn tả một cảm xúc chẳng hạn, ông
không ngại dùng một từ đã thông dụng cách đây hàng bốn năm trăm năm,
bây giờ không ai còn nhớ đến nữa, mà câu văn vẫn tươi mới như thường.
Mà cái từ rất xưa ông chọn ra ấy đúng là khác hẳn những từ đồng nghĩa bây
giờ, vì nó không nhiễm những hàm ý đương đại mà ông không muốn có khi
mô tả cái cảm xúc ban sơ tự nhiên kia. Umberto Ecco có viết rằng chức
năng đầu tiên của văn chương là nuôi dưỡng và phát triển ngôn ngữ, đúng
lắm thay! Nhưng đây lại là một thách thức lớn lao nhất cho người dịch. Tôi
đã thử làm như tác giả, chọn những từ Việt cổ tương đương với từ tiếng
Anh ấy, và cố làm cho câu văn Việt cũng tươi mới như thế; nhưng không
phải lúc nào cũng thành công. Không phải lúc nào tôi cũng có thể tìm được
một từ Việt cổ mang cái ý nghĩa ban sơ độc đáo cần phải được truyền đạt
tương đương với cái từ tiếng Anh xưa cũ ấy. Và tôi vỡ ra rằng không thể
câu nệ hình thức như vậy được. Cái quan trọng là phải truyền đạt được cái