Cô chú của Livia đến thăm nàng. Cuộc sống của họ giờ khá hơn, cửa
hiệu làm ăn phát đạt, ông ta bận bộ đồ vest mới, bà lão mang theo một ít
trái cây cho Livia. Khi họ đến lão Francisco đã rời khỏi nhà, lão không
thích cái cách họ nhìn cảnh nghèo khó ở nhà mình. Ông chú nhăn mũi và
nói với Livia rằng “nghề chèo lái chẳng có tương lai gì cả”. Tại sao nàng
không thuyết phục Guma chuyển vào thành phố, bỏ quách cái nghề đi biển?
Anh ta có thể bán chiếc thuyền của mình, lấy tiền góp vốn thành đồng sở
hữu cửa hiệu với ông ta. Mở rộng hơn quầy hàng rau quả, họ cũng có thể
mở một cửa hàng lớn, thậm chí trở nên giàu có để đảm bảo tương lai cho
đứa trẻ sắp sửra đời. Điều tốt nhất với Guma là bỏ cái nghề sông biển đầy
nguy hiểm này và chuyển về thành phố, sống gần họ hơn - ông chú khẳng
định như vậy. Bà cô còn đế thêm rằng Guma có trách nhiệm làm như vậy
nếu thực sự yêu thương Livia nếu không phải chỉ thương yêu trên đầu lưỡi.
Livia im lặng lắng nghe hai ông bà lão, tận trong lòng cũng đồng ý với họ -
nàng hẳn rất mừng nếu có được sự đổi thay như vậy.
Nàng sẵn sàng hy sinh tất cả nếu thuyết phục được Guma bỏ nghề đi
biển. Nàng biết rõ người thủy thủ thật khó lòng rời bỏ con thuyền, sống xa
biển cả. Họ sinh ra ở biển và chết đi ở biển, ít khi đổi khác. Chính vì vậy
nàng không bao giờ bàn với Guma về chuyện đổi thay cuộc sống. Nhưng
đó chính là lối thoát tốt nhất cho gia đình họ. Nỗi buồn lo chờ đợi triền
miên hủy hoại cuộc sống nàng sẽ chấm dứt. Sẽ không còn nữa nỗi âu lo sợ
hãi tương lai. Và con nàng sẽ không ra đời ở biển, không cảm thấy phải gắn
mình với biển cả suốt cuộc đời. Mà Guma thì luôn mơ ước sẽ đưa đứa nhỏ
theo mình trong những chuyến đi khơi, dạy cho nó sớm làm quen với tay
lái. Rồi sau những khổ đau khắc khoải vì chồng Livia hẳn sẽ phải mỏi mòn
vì con - những đêm thức trắng chờ mong rồi sẽ đến.
Và khi cô chú nàng đã về, Livia nghĩ đến việc sẽ nói chuyện với Guma.
Cần phải thuyết phục anh. Anh sẽ bán con thuyền “Quả cảm” (tất nhiên sẽ