MIỀN ĐẤT VÔ CÙNG
Giọng hát sâu thẳm ngân xa vượt trên mọi âm thanh của đêm tối, lan qua
biển, trùm lên thành phố. Bài hát xưa nghe tha thiết u hoài khiến những lời
nói chợt lặng đi, những câu chuyện trò ngưng lắng lại. Nhưng lời bài ca
xưa mới chua xót làm sao, nghe nhói trong lòng. Bài hát nói: “Thương thay
cho người phụ nữ có chồng đi biển. Nàng chẳng có niềm vui, bất hạnh đã
an bài. Bao nhiêu lệ tuôn rơi, đôi mắt sớm mờ đi bởi ngày đêm dõi trông về
phía mù khơi, lòng hoài vọng thấy một cánh buồm còn le lói”. Giọng ca
chàng da đen bao phủ màn đêm
Lão Francisco hiểu rõ ý bài ca lẫn khoảng trống mênh mông của cả trời
sao lung linh trên mặt biển. Bằng không thì bốn mươi năm chèo lái của lão
còn có ý nghĩa gì nữa? Và lão không chỉ rành những ánh sao đêm. Lão biết
rõ cả từng dải cát ngầm, từng khúc quanh, từng dòng chảy ở vịnh và sông
Paraguacu, từng bến cảng trong vùng, từng bài ca cất lên từ đó. Cư dân
khắp dải đất ven sông cạnh cảng đều là bạn bè lão, thậm chí có người nói
vào cái đêm một mình cứu mạng cho tất cả ngư dân trên một thuyền đánh
cá lão đã được tận mắt thấy Iemanja, người đã tự hiển linh như một tặng
vật dành riêng cho lão. Mỗi khi nói về chuyện đó (cánh đánh cá trẻ ai
chẳng hỏi Francisco có đúng vậy không), lão chỉ mỉm cười:
- Thiếu gì chuyện thiên hạ nói trên đời, anh bạn…
Vậy là chẳng ai biết việc đó hư thực thế nào. Mà cũng rất có thể chuyện
đó có thực. Với những ý nghĩ bất chợt của Iemanja, nếu có ai xứng đáng
được gặp và yêu nàng thì đó hẳn phải là Francisco, kẻ đã sống chết nơi đầu
sóng ngọn gió biết bao năm, từ cái thuở xa xưa chẳng ai còn nhớ. Tuy
nhiên so với các bãi ngầm, lạch cạn, lão còn biết rạch rẽ hơn về bao truyền
thuyết của vùng đất, vùng biển nơi này, nhớ rõ mọi lễ hội mừng Iemanja,