- Bởi vậy kiếp của chú Bảy đây là... kiếp rùa, đội hạc đội bia riết rồi
ốm nhách. Chú Bảy có sở làm. Từ rày về sau, hễ chỗ nào rừng hư hao vì...
tai họa bất ngờ thì nhà nước sẵn sàng trồng tràm trở lại. Rừng này bị cháy
hoài, chú kiếm cho tôi chừng một trăm lít hột tràm, tôi mua hai xu một lít.
Chịu không? Phải trồng tràm con cho rừng tươi tốt trở lại như xưa kẻo quan
trên rầy rà... Chịu không?
Thím Bảy từ nãy giờ lui cui vào bếp, bỗng bước ra nhìn chồng, cau
mày, như nhắc nhở chuyện thực tế.
Chú Bảy giật mình:
- Dạ... không cần, rừng tràm bị cháy thì tự nhiên mọc trở lại. Hột rớt
xuống đất, nhờ bị cháy nên nó nứt mầm mau lắm. Hột tràm hái về thầy
muốn trồng thì cũng phải bỏ vô chảo mà rang cho nóng, nó mới chịu mọc.
- Ừ, ừ... Vậy thì khỏi trồng. Nhưng chú Bảy lấy gì mà sống? Trồng
cây cho nhà nước, đó là nhiệm vụ, làm ra tiền. Chú Bảy chê à! Vậy thì làm
sao có bạc xài. Chẳng lẽ ăn thịt rùa trừ cơm hoài sao? Con người ăn cơm,
thiếu cơm thì ốm nhom ốm nhách.
- Uống rượu say, nói chuyện lung tung, làm hại nhà cửa. Ba nó thấy
chưa?
Tàn buổi tiệc rùa, chú Bảy Đặng bị vợ cằn nhằn tới lui. Chú hối hận
vô cùng vì một vài câu nói lơ đễnh, thốt ra lúc ăn nhậu với thầy đội Bình.
“Buổi tiệc đó thiệt là hữu ích”. Thầy đội Bình nghĩ như vậy. Nó giúp
thầy tìm được vài tia sáng trong vấn đề cháy rừng.
Đúng là vậy, Bảy Đặng là tay bợm nhậu, chuyên nghề đốt rừng để bắt
rùa, ném đá giấu tay! Bằng cớ là từ buổi tiệc ấy về sau, ít khi nào Bảy Đặng
tới đồn kiểm lâm thăm viếng thầy như đã hứa. Chú Bảy bơi xuồng ngang