Thầy đội đỏ hoe đôi mắt, mồ hôi tươm ra, tỏa mùi rượu nực nồng theo
lỗ chân lông:
- Tầm bậy quá. Tây dạy tôi nhiều chuyện nhưng nó quên. Nó dạy nào
cây trắc, cây gõ. Nó quên rằng hễ làm kiểm lâm ở U Minh thì phải biết ăn
thịt rùa...
Bảy Đặng ngạc nhiên:
- Bên Tây không có rùa sao thầy?
- Ừ! Có chớ... Để nhớ coi...
Rùa với thỏ chạy đua. “Xem kìa xem tích xưa, thỏ với rùa hai chú
chạy đua”. Đó là bài ca Bình bán vắn. Thỏ thua rùa. Rùa chạy về nhất vì
thỏ ham chơi.
- Còn tích gì nữa không vậy thầy?
- Bên xứ mình, con rùa là thần Kim Qui... Trọng Thủy Mỵ Châu đó.
Rùa là ông thần xây thành đắp lũy. Móng rùa là cái... máy, để vô cái ná lãy,
kêu là cái nỏ thần thì... bá phát bá trúng. Lại còn bên Tàu, xưa kia rùa nổi
trên sông Hoàng Hà, trên lưng vẽ hình bát quái, tức là bản đồ của càn khôn
vũ trụ, vạn vật.
Bảy Đặng suy nghĩ rồi góp thêm một ý kiến:
- Hèn gì rùa có căn tu. Rùa sẵn sàng chịu đựng sự ép bức, khó nhọc.
Lời thơ xưa nói rằng kiếp con rùa “trong đình đội hạc, trên chùa đội bia”,
“qui hạc xưa nay ở một đình, cớ sao con trọng lại con khinh”.
Thầy đội Bình ngà ngà men rượu, nhướng mắt rồi vỗ trán gật đầu lia
lịa: