Thứ nước chát, đỏ bầm vì nhuộm màu vỏ tràm, dây choại, dây dớn;
bông trắng, màu bông cây tràm.
Bên đồn, lính Lê dương bỗng rộ lên cười hát ỏm tỏi... Tôi liếc qua
cửa sổ bên trái: hai họng súng “ô buýt” vừa ló ra cách nhà chừng hai
chục thước.
Bà chép miệng:
- Chừng này sao nhà tôi chưa về? Ông quan tư Ca Rê là bạn của
nhà tôi. Họ đang uống rượu bên đồn. Ông ráng chờ vài phút. Tới giờ
lính ăn cơm rồi. Ông Ca Rê học giỏi lắm, xuất thân trường Thuộc địa,
rành về tâm lý các dân tộc Đông Phương, nhứt là Ấn Độ. Ổng thích tìm
bạn Việt Nam... để điều tra thêm... Vì vậy, nhà tôi cần gặp một thi sĩ
Việt Nam để tiếp tay.
Nỗi lo âu hiện lên. Tôi ngồi im, cố gắng che giấu sự thất vọng. Tâm
lý các dân tộc Đông Phương, Ấn Độ, Việt Nam? Những môn mà tôi
chưa từng chú ý. Ông bà Henri Nhan quả thật đã gõ lầm cửa khi biên
thơ cho tôi. Chẳng khác nào ông bà xúi biểu một ngư ông ở đồng bằng
đi săn cọp tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn! Những bức hoành phi cẩn xa cừ,
cái lục bình cao hơn tám tấc ở bàn giữa, cái ghế bành lót nệm màu
xanh dương, đôi chim hoàng yến treo ngoài cửa cái, không khí mát mẻ
trong phòng khách, pho tượng Phật Quan Âm trên bàn thờ riêng biệt,
tất cả như mai mỉa sự có mặt của tôi tại đây. Tôi toan đứng dậy, cáo từ
bà chủ nhà để trở về gian nhà Xóm Biển rồi nằm trên bộ vạc tre, kê
đầu lên chiếc gối bằng cây mốp, tìm nàng thơ đang đi lởn vởn bên cạnh
những em bé bắt ruồi, hoặc lão Tư Hiếm với chiếc ống điếu cổ lỗ.
Bà chủ nhà nói nhanh:
- Ý mà quên! Nãy giờ tôi quên mời ông hút thuốc. Thuốc điếu, ống
quẹt... ở trong cái hộp cây sơn mài trước mặt ông đó. Ông cứ tự tiện