- Ông giúp tôi phần ấy được chớ! Viết bằng chữ Việt Nam để tôi
căn cứ vào đó dịch ra chữ Pháp. Văn chương của ông được đăng báo.
Theo ý kiến của nhà tôi thì ông thuộc vào hàng trên mức trung bình.
Nhà cửa, quê quán ông ở đâu? Học lực tới lớp nào? Từ mấy năm nay
ông đã làm gì?
Cơn giận lại nổi lên ngấm ngầm. Tay tôi hơi run run. Tôi quên
rằng thời chiến tranh mỗi chủ nhân cần điều tra lý lịch của bất cứ
người làm công nào, nhứt là trường hợp ngôi nhà của chủ lại ở sát đồn
bót. Tôi đứng dậy, nói lập vập:
- Thưa ông, tôi chưa từng soạn thảo những quyển địa phương chí
lần nào cả. Viết tổng quát về lịch sử, địa lý, thói ăn nết ở, nguồn lợi
kinh tế của một vùng... tưởng việc ấy dành riêng cho những nhà
chuyên môn, học cao hơn. Rất tiếc vì tài mọn, tôi khó làm vừa lòng
được. Xin...
Mấy tiếng “kiếu từ ông” chưa thốt ra khỏi miệng tôi là ông Henri
Nhan đã chận ngay:
- Đừng ngại, chuyện cần gấp lắm. Tôi sẽ chỉ biểu rành mạch đầu
đuôi gốc ngọn tất cả công việc; ông cứ noi theo lời tôi mà thi hành. Tôi
đã trình bày với ông quan tư Ca Rê: Lịch sử vùng Mỹ Lâm tức là lịch
sử của tôi! Tôi ra công khai phá vùng ấy hơn ba chục năm trường, lập
đình chùa, làng xóm. Tôi hiểu từng cọng cỏ. Tôi đã gặp nhiều di tích
xưa, trước khi người Pháp đến đào xới kho tàng Óc Eo ở núi Ba Thê
mà họ cho rằng quan trọng, đánh dấu sự gặp gỡ với Tây Phương từ
đời Thượng cổ ở Đông Nam Á. Chung qui công việc mà ông thi sĩ sắp
làm chỉ là viết tiểu sử của tôi, theo kiểu tiểu sử các bực danh nhân,
công thần trong quốc sử.
Tôi giữ thái độ im lặng mặc dầu tôi biết lão Tư Hiếm có thể giúp
tôi nhiều tài liệu về phần đất ở Mỹ Lâm. Nhưng tôi cố tìm lời lẽ để rút