tìm huê lợi khác. Rầu quá. À, ban nãy tôi quên hỏi...
- Thưa bà...
- Ông ở Miệt Thứ, thuộc xóm nào? Chú ruột tôi là ông hội đồng X,
chắc ông biết.
- Dạ ông hội đồng là bạn của ông dượng tôi.
Bà Henri tiếp:
- Tôi ít về quê lắm. Đi học Sài Gòn từ nhỏ tới lớn.
Đến cổng rào, bà kéo nhẹ cánh cửa sắt, đứng nép một bên, sờ vào
túi:
- Đây, tôi gởi sở phí ông về xe. Ngày mai nhớ trở lại nghe. Chừng
một tuần lễ thôi. Về tiền bạc, tôi lo liệu để ông được bề rộng rãi.
Tôi lưỡng lự hồi lâu. Bà mỉm cười, trao tấm giấy một trăm đồng
tận tay tôi. Tôi nói bẽn lẽn:
- Cám ơn bà.
Bà từ từ khép cổng rồi nở nụ cười thành thật:
- Nhớ trở lại, dịp may cho ông đó. Đừng buồn điều gì ráo!
Đến chiều hôm ấy, tấm giấy một trăm đã tan manh mún, chỉ còn
chừng mươi đồng: năm chục đồng đền ơn cho bà chủ nhà, mười đồng
gói thuốc thơm, mười đồng mớ thuốc Gò Vấp. Và tôi xài linh tinh.
Giấy trắng, mực, viết chì tôi mua dự trữ sẵn để dành làm thơ. Hơi gió
biển thổi mát rười rượi. Tôi hút thuốc, tưởng đến dung nhan quý phái
của bà Henri Nhan. Hồi còn ở quê nhà, cha tôi nhiều lần nhắc đến ông
hội đồng X. mà bà chủ Nhan bảo là chú ruột. Tôi tin rằng bà không nói