qua tháng kia để nuôi dưỡng một thanh niên tay chân đầy đủ như tôi.
Nàng Thơ sống chẳng cần cơm áo, nhưng muốn tao ngộ với nàng, kẻ
phàm tục cần sống nhiều năm bằng cơm áo tối thiểu để chờ đợi phút
giao cảm, ngàn năm một thuở. Hơn nữa, tôi tin tưởng nơi bản chất
hiền hòa và sự ân cần của bà Henri. Khách yêu thơ chẳng lẽ nhẫn tâm
giết thi sĩ! Trên con đường tranh danh đoạt lợi, bà ta chẳng cần đạp
lên trên xác chết của tôi và xác chết của lão Tư Hiếm mà làm gì.
Mặt trời mọc cao hơn một sào khi tôi giựt mình thức dậy.
Đằng kia lão Tư Hiếm đi tới lui trong ngõ hẻm như ngóng chờ tôi.
Thay quần áo xong, tôi hối hả lên đường, sợ trễ mặc dầu hồi sáng hôm
qua bà Henri Nhan chưa nói rõ giờ khắc làm việc. Lão Tư Hiếm tằng
hắng rồi ho lớn. Tôi đến bên lão để trấn an:
- Tôi hứa chắc mà, bác vững bụng đi. Bác cũng đừng cho chòm
xóm biết tôi có công việc làm tại nhà ông ấy. Ngày hôm qua, tôi nói dối
chủ nhà rằng tôi mới lãnh chút ít tiền của nhà báo từ Sài Gòn gởi
xuống. Chưa chắc ông Henri mướn tôi làm việc lâu ngày đâu! Không
chừng lát nữa ông ta đuổi tôi. Sáng nay, tôi như người đi dạo mát để
giết thì giờ.
Lão gật đầu, mỉm cười:
- Đâu phải vậy. Thầy gặp cơ hội tiến thân, tôi mừng, cầu chúc thầy
gặp may mắn, tiền bạc khá giả chớ! Tôi nào dám ngăn cản thầy.
Lại một sự hiểu lầm nữa. Hết sợ ông cò Tây, lão sợ ông Henri
Nhan rồi giờ đây lão sợ đến tôi. Chẳng lẽ đứng lì ở đây để thanh minh
một trường hợp chưa rõ rệt? Tôi lại kiếu từ, đi phăng phăng đến
đường Mé Sông.
Lần này chị ở nhanh nhẹn mở cổng, dẫn tôi đi thẳng vào dãy hành
lang khá rộng nối liền biệt thự xuống nhà bếp.