Bị giựt mình vì lối xưng hô bất lợi ấy, tôi nghiêm mặt, nói với chị
ở:
- Chị cứ gọi tôi bằng “thầy” cho tiện. Tôi làm công như chị chớ
đâu phải làm chủ mà kêu tôi bằng ông.
Bà Henri Nhan thấm ý, cười mủm mỉm:
- Ông thi sĩ ưa thắc mắc quá. Ừ, ông vào trong phòng xem nhà tôi
nói gì.
Bấy giờ tôi mới hiểu cái tật mang vớ kinh niên của ông Henri
Nhan. Ông ta thú nhận mắc bệnh tê thấp từ hơn mười năm, rồi than
phiền thời vận nước nhà, nhân tình thế thái, người Pháp chưa hiểu rõ
hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, ông cố gắng tranh đấu tới
cùng để giữ... “thể diện dân tộc”.
- Ông thi sĩ hãy noi theo khuôn mẫu quyển sách này, đọc kỹ dàn
bài. Còn đây, miếng giấy nhỏ tôi ghi chú ngày sanh tháng đẻ, bước
đường lập thân tiến thủ của tôi lúc nhỏ. Ông ra ngoài bàn, thảo vài
trương, lát nữa trình cho tôi xem.
Thật là mệt trí, khó xử. Suy nghĩ hơn mười phút rồi mà trí óc của
tôi ngày càng tối om. Quyển tiểu sử làm mẫu nọ nhan đề “Từ Dũ
Hoàng Thái Hậu truyện” của Nguyễn Liên Phong, phụng lược dịch, do
nhà F.H. Schneider in từ năm 1913. Bìa sách trình bày lối xưa có hai
con rồng chầu; hai câu đối được ấn công sắp từng chữ, từ trên xuống
dưới theo kiểu viết liễn:
Cội nền vững chắc, nước Nam Việt trường xuân
Tánh nết hiền lành. Phật Quan Âm tái thế.