Cần Thơ mua bán, ông vào tiếp tục học trường bổn quốc Cần Thơ đến
năm thứ hai ban Trung học...
Bàn tay ông Henri Nhan khoát nhẹ, ra dấu bảo cho tôi ngưng lời.
Thật ra trang giấy cũng chẳng còn chữ nào mà đọc; ông lắc đầu, cau
có:
- Chưa được! Về quê quán và trường hợp vào đất Gia Định của
cha mẹ tôi, ông thi sĩ hãy tự ý tô điểm thêm, rồi nói rõ: vì lý do yêu
nước, chống Pháp hồi thế kỷ vừa qua. Người Pháp bây giờ muốn làm
bạn và nâng đỡ những người Việt Nam thuộc dòng máu khẳng khái đã
dám chống đối họ trong quá khứ... Hơn nữa, lúc đi học, tôi phải tỏ ra
thông minh hơn các bạn đồng môn. Và tôi phải bỏ học nửa chừng vì lý
do làm quốc sự, cho “ngon” một chút!
Tôi lộ vẻ ngạc nhiên:
- Thưa ông, như vậy e phật ý nhà cầm quyền Pháp. Rủi bề gì ông
còn có người che chở; riêng tôi thì mang vạ lây. Ông hồi đó theo gương
chí sĩ nào?
- Thi sĩ này ngớ ngẩn quá! Cứ viết rằng tôi chống Pháp hồi năm
một ngàn chín trăm hai mươi sáu gì đó theo tài liệu lịch sử cách mạng
Việt Nam.. để ông quan tư Ca Rê hãnh diện. Còn bây giờ, đối với quân
đội Pháp, sau Đệ nhị Thế chiến...
Có người bấm chuông ngoài cửa. Chị ở mang vào tấm danh thiếp.
Ông Henri lập tức đứng dậy, nói vói lại:
- Tôi qua ông quan tư Ca Rê có việc cần. Cái “áp phe” ở điền Mỹ
Lâm của tôi sẽ thành công trong vài ngày. Để nhà tôi đến chỉ dạy ông
thêm. Nhớ viết gấp lên. Phần thứ nhì của đời tôi mới là quan trọng,
quyết định. Nãy giờ, chỉ mới là cái phần giáo đầu tuồng... Ông phải cố
gắng, tranh thủ thời giờ.