hơn... Một đồng bạc Đông Dương ăn tới mười tám quan. Thôi ông về,
viết theo ý của nhà tôi, nếu chiều nay trời mưa ông cứ viết tiếp phần
sau. Đại khái, rời nhà trường, nhà tôi thấy vùng đất Mỹ Lâm, xóm
Mốp Giăng còn âm u hoang dại, đầy chuột, đầy bưng sen, bưng bông
súng... vân vân. Ông cứ tự do làm thơ ở phần đó.
Bà đứng dậy, trao cho tôi năm tấm giấy một trăm đồng rồi gọi chị
ở mở cổng. Tôi lưỡng lự muốn trả bớt lại hai trăm, nghĩ thầm rằng
lãnh tiền càng nhiều, lương tâm càng bức rức. Tôi liên tưởng đến
những câu hỏi thăm dò của lão Tư Hiếm khi gặp mặt vào trưa nay.
Gương mặt lão chắc chắn trở nên lo âu, bí hiểm với nụ cười gượng gạo,
gợn chút gì mỉa mai rõ rệt.
- Ông muốn xem số báo này à? Báo bên Pháp gởi riêng cho ông
quan tư. Tôi sẵn sàng cho mượn, ngặt bất tiện cho ông. Người lối xóm,
họ dòm ngó. Cái xóm Biển, lô A của ông hẻo lánh quá, từ đây tới đó
hơn một ngàn thước mà chẳng bao giờ tôi dám tới, bởi vậy hôm trước
tôi phải gởi thơ cho ông theo đường bưu điện. Báo kỳ này hay lạ:
“Nhạc Beethoven giữa rừng Nam Phi Châu”. Lá tử vi của ông bà quận
chúa Ăng Lê tốt thật. Không hiểu họ sanh nhằm giờ nào, ngày nào,
năm nào, cung nào? Phần tôi, hồi nhỏ đã có lần đem dĩa nhạc
Beethoven hát inh ỏi ở Miệt Thứ, ở Mốp Giăng, giữa rừng tràm, muỗi
mòng, khỉ, rắn, cá lóc... Tạm gọi là “Nhạc Beethoven ở U Minh, ở Mốp
Giăng” được không ông thi sĩ?
... Hăm ba tháng Mười, mưa dại gió may
Ngoài khơi Hòn Tre, chiếc tàu tuần chạy tới lui qua lớp mưa thưa,
màu cờ tam tài lu mờ chỉ còn hiện lên một đốm đỏ lợt lạt. Đoàn ghe
lưới nằm lúc lắc trên bãi bùn, con mắt sơn trước mũi ghe trông phờ
phạc như con mắt cá chết. Sóng đánh từng hàng dài trên mặt biển
dâng cao, gợi hình ảnh những luống cày quanh sườn đồi... Trước khi