Từ nhà trên, bà Henri trở xuống mân mê tờ báo Pháp:
- Công việc tiến hành như vậy được chớ! Ông thi sĩ đừng cãi với
nhà tôi làm gì. Ban nãy, dường như ông thi sĩ cãi một đôi lần. Nguy
lắm. Nhà tôi chẳng bao giờ chịu nhìn nhận rằng mình kém thông minh
hơn một kẻ khác. Ông thi sĩ chớ nên nói câu nào đá động tới vấn đề
chánh trị, rủi nhà tôi vui miệng rồi tên tuổi của ông lại thấu tai nhà
binh Tây. À, trưa rồi, ông cứ về nhà viết tô đậm thêm, khen ngợi... cho
ổng xong cái “áp phe”. Tôi nhức đầu lắm.
Gương mặt khổ sở, dằn vặt của lão Tư Hiếm đột nhiên hiện ra.
Tôi linh cảm mơ hồ rằng cái “áp phe” này khá rắc rối. Các ông đại
điền chủ thường núp oai của nhà binh Pháp để bảo vệ cái tài sản “cò
bay thẳng kiếng” của họ. Tuy không sống bằng nghề nông, tôi vẫn cảm
thông mơ màng với nguyện vọng “có đất cặm dùi” chánh đáng của
nông dân. Biết đâu tôi sẽ tìm thêm nhiều thi tứ mới: những cô thôn nữ
tươi vui hơn, những con trâu tơ mập mạp hơn... Nhưng khó hiểu quá!
Đứng về quyền lợi thực tế mà xét, nếu tá điền ở Mỹ Lâm đều tản lạc,
còn chừng mười lăm gia đình - theo lời lão Tư Hiếm - thì ông Henri
Nguyễn văn Nhan vận động với nhà binh Pháp để hưởng huê lợi gì.
Thừa lúc bà Henri Nhan lơ đãng, tôi giả vờ hỏi, vô tình:
- Thưa bà, ở Mỹ Lâm bây giờ chắc sung túc lắm?
Bà cười giòn:
- “Khỉ ho cò gáy” chớ sung túc! Còn một cái miễu thờ một pho
tượng đá, ông chúa bà chúa gì đó. Ruộng bỏ hoang đâu hồi năm ngoái
năm kia. Ông quan tư Ca Rê muốn khảo cứu cái pho tượng đá xưa đó
tại chỗ, luôn dịp sưu tầm phong tục dân chúng cũng tại chỗ cho xác
thực, khoa học. Nhà tôi muốn nương cơ hội ấy xây dựng thanh thế,
nhờ Tây đóng bót... cho tá điền biết mặt! Tôi can ổng hết lời. Thà đi
Sài Gòn mua bán xuất nhập cảng gì đó làm giàu mau hơn, ít nguy hiểm