Lương Thế Vinh tái sanh. Ngày xưa Lương Thế Vinh lúc còn bé đã biết
đổ nước xuống lỗ để đem trái bưởi lên. Ngày nay, trò sáng chế ra kiểu
tàu... tự động này, tài trí đâu kém?”.
Khi theo học năm thứ ba ban Cao tiểu, ông Nguyễn văn Nhan tuy
thường được ghi tên vào bảng danh dự của toàn trường về đạo đức, về
năng lực nhưng ông lại tỏ vẻ tư lự, đăm chiêu. Ông bắt đầu làm thơ,
gởi đăng các báo ở Sài Gòn với nội dung thán phục các vị anh hùng
cứu quốc kim cổ, từ Đông sang Tây: Gởi chiến sĩ mười bốn Juillet phá
ngục Bách Ti, Vịnh ông Tôn Văn, Tâm sự Thủ khoa Huân... Nhơn
phong trào lạc quyên ủng hộ các học sinh Đông Du do quan phủ
Gilbert Trần Chánh Chiếu đề xướng, ông Nguyễn văn Nhan đã nhịn ăn
quà sáng, gởi giúp được một đồng bạc trong thời kỳ giá lúa mười lăm
xu một giạ.
Nhà cầm quyền thực dân đâu để yên cho chàng thanh niên giàu
nhiệt huyết ấy. Sở Mật thám Pháp gây áp lực, khiến quan giám đốc ra
lịnh đuổi ông Nguyễn văn Nhan khỏi trường. Chán nản, ông đi ngao
du sơn thủy, lê gót lãng du khắp Hà Tiên, Bạch Mã, đảo Phú Quốc...
tìm cơ hội khác hầu gióng hồi chuông cảnh tỉnh bé nhỏ, khiêm tốn
nhưng hữu hiệu cho quốc dân...”.
Mưa chưa tạnh. Ăn xong cơm chiều, tôi nằm im nghe sóng biển vỗ
ầm ầm lên bãi. Ngọn đèn dầu leo lét bỗng phựt lên cao hơn ống khói,
gió biển tạt mạnh qua khe cửa hé mở.
Lão Tư Hiếm bước nhanh vào, vuốt mấy giọt nước trên mặt:
- Ở nhà một mình buồn quá, tôi qua đây thăm thầy. Mưa gì mà
mưa hoài. Ở miền biển, thầy thấy điều gì đặc biệt không? Nước mưa
trên mặt mình, nó mặn đắng như nước biển.
Tôi đáp: