Tôi đánh tan bầu không khí oi bức nọ, đưa câu chuyện trở lại địa
hạt khác, êm dịu hơn:
- Thưa bác, chuột ở Mốp Giăng hồi xửa hồi xưa chắc nhiều lắm?
Mấy bưng sen còn không? Mỗi bưng rộng bao lớn? Nhiệm vụ tôi là
viết chuyện đó cho ổng.
- Thầy cho tôi điếu thuốc. Hồi tôi còn nhỏ, tôi thấy dân chúng Mốp
Giăng sống nhờ chuột. Mùa nước nổi, chuột cắn đuôi nhau nối liền
thành một sợi dây dài, chẳng biết nó từ xứ nào tới để đi về đâu. Tụi nó
lội chập chững, con này nương sức của con kia... Mỗi tháng, mình gặp
năm sáu bầy như vậy. Nước giựt xuống, chuột làm ổ, trời sa mưa, cỏ
non mọc nhú lên, tha hồ xây rọ mà bắt. Cứ dùng đăng sậy bao chung
quanh một vùng cỏ lớn rồi lần lần mình siết vòng vây... bắt hàng trăm
con. Mình ăn thịt chuột trừ cơm. Chuột bị chặt đuôi, lột da nằm dài
trông thật giống con heo con... Thôi thì chuột rô ti, chuột bằm nhỏ xào
lá cách lá lốt, chuột kho tiêu. Ăn không hết, mình bày ra khô chuột,
treo lủng lẳng hàng trăm con từ trên kèo nhà. Lại còn mắm chuột nhận
đầy lu, mỡ chuột thắng đầy hũ. Đèn thắp bằng mỡ chuột, sáng lắm...
Nghe nói lâu lâu có người gặp con chuột bạch ngậm trong miệng “hột
ngọc chuột” sáng ngời... Ôi thôi! Chuyện con chuột kể tới sáng thầy
nghe không hết.
- Còn cái bưng sen ngày xưa?
- Nó còn hiển hiện đó. Rải rác đôi ba mẫu đất, đầy loại sen bạch,
sen hồng. Cuối mùa mưa, gương sen cằn cỗi, hột sen khô nổi lình bình
đen mặt nước; mình cứ đem thúng mà xúc, mỗi người xúc một buổi
sáng hằng năm sáu chục lít đem bán cho Huê kiều... Nhưng dân mình
ưa làm ruộng hơn là xúc hột sen.
- Dạ thưa bác, tại sao bây giờ hết chuột?