- Đúng vậy, làng Mỹ Lâm từ khi ông thầu khoán bị giết, chẳng còn ai
muốn cất đình, sợ oan hồn ông thầu khoán cũ vặn họng. Cái miễu của Chúa
Ngung, Ma Nương thay thế cho cái đình; dân ở vùng lân cận tuy không
phải là tá điền của chủ Nhan cũng rủ nhau nườm nượp tới chung vui. Phen
đó, hồi trào thống chế Bê Te, quan Chánh tham biện chủ tỉnh “Gia La” tới
dự lễ, dẫn theo bà vợ còn trẻ măng. Ông Tây bà đầm bắt tay “bủa xua” với
Chúa Ngung, Ma Nương... Chúa Ngung, Ma Nương trả lời bằng tiếng Tây
“com-xi com-xa” khiến ai nấy nín cười không nổi. Rồi ông Tham biện “Gia
La” chụp hình buổi lễ, bà đầm vỗ vai xác, cúng cho xác năm đồng... Bả hứa
khi về Tây sẽ thuật lại cho bà con cô bác bên đó nghe chơi. Bà đầm đó vui
lắm, cười tủm tỉm hoài.
Tôi muốn thêm vào câu nói của lão: “Cười tủm tỉm hoài với hai lúm
đồng tiền”. Nhưng tôi nghĩ: “Mình với lão Tư Hiếm hành hạ nhau bằng lời
nói làm gì? Như hai kẻ khốn cùng đang đói bụng, chạy bươi đống rác cấu
xé nhau để giành một cây tăm xỉa răng”. Sực nhớ tới thời giờ quá ngắn, tôi
muốn ra về:
- Thì ông bà Chánh tham biện cũng thị oai với dân bổn xứ, tỏ rằng ta
đây là “anh hai” của Chúa Ngung, Ma Nương. Và Chúa Ngung, Ma Nương
có tiền của Tây thì mới vui vẻ được. Phen này, Tây biểu ông chủ Nhan viết
lại tích xưa, chắc cũng vì mục đích muốn làm “anh hai” đó.
Bộ mặt lão trông khác hẳn! Dè đâu tôi nói êm thắm nhỏ nhẹ mà lão lại
giựt mình:
- Mục đích gì? Tây muốn đi Mốp Giăng à?
Tôi nói khẽ:
- Ông quan tư muốn coi tận mặt pho tượng đá trong miễu Chúa
Ngung, Ma Nương, luôn dịp sưu tầm tại chỗ những pho tượng khác, hỏi
thêm tục lệ cúng kiến, hoặc tìm người “xác” cũ để hỏi lại.